Yonhap cho biết, hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của LG đã gặp khó khăn trong một thời gian dài, nhưng công ty vẫn hy vọng mảng kinh doanh này sẽ mang lại lợi nhuận trong thời gian tới. Để làm được điều đó, tập đoàn này sẽ có hai phương án để lựa chọn, một là phải nâng giá bán sản phẩm và hai là cắt giảm chi phí sản xuất.
Trong đó, việc nâng giá bán sản phẩm là điều không khả thi khi các sản phẩm smartphone của LG bị “thất thế” trước các đối thủ như Samsung, Huawei, Apple,... Việc tăng giá cũng sẽ khiến doanh số của hãng tụt giảm mạnh.
Vì vậy, LG sẽ tập trung vào các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách đóng và dời nhà máy ở nước sở tại sang một quốc gia với chi phí rẻ hơn. Đây sẽ là biện pháp tối đa hóa chi phí sản xuất và giúp LG tiếp tục thực hiện tham vọng của mình đối với mảng smartphone. Doanh số smartphone của LG đang tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm và có thể sớm đánh mất vị trí thứ 3 tại Mỹ mà hãng đang nắm giữ cho Motorola.
LG hiện tại vẫn có các nhà máy sản xuất smartphone ở các quốc gia khác ngoài Hàn Quốc như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Riêng với nhà máy tại Hàn Quốc, thương hiệu này chủ yếu vào việc sản xuất điện thoại thông minh cao cấp. Và không rõ nhà máy ở Hàn Quốc có sản xuất điện thoại thông minh tầm trung và cấp thấp hay không, nhưng sản lượng sản xuất ở nhà máy này chỉ chiếm từ 10% đến 20% tổng sản lượng điện thoại thông minh của LG bán trên toàn cầu.
Do đó, kế hoạch dời nhà máy chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể chiến dịch chiếm lại doanh số ở mảng kinh doanh smartphone, LG cần phải định hướng thêm về mặt sản phẩm, tung ra những thiết bị có mức giá cạnh tranh, chất lượng tốt để vực dậy lĩnh vực này.