Trong một bước tiến được đánh giá là bước ngoặt của lĩnh vực an ninh mạng toàn cầu, Trung Quốc vừa công bố thực hiện thành công cuộc gọi điện thoại mã hóa lượng tử xuyên khu vực đầu tiên trên thế giới. Cuộc gọi, diễn ra giữa Bắc Kinh và Hợp Phì với khoảng cách hơn 965 km, do China Telecom Quantum Group thực hiện, đánh dấu sự khởi đầu cho kỷ nguyên liên lạc không thể bị giải mã bởi cả những cỗ máy tính lượng tử mạnh mẽ nhất trong tương lai gần.
Sự trỗi dậy của máy tính lượng tử – với khả năng tính toán vượt trội, đủ sức bẻ gãy các thuật toán mã hóa truyền thống trong tích tắc – đang đặt ra thách thức chưa từng có cho các hệ thống an ninh hiện đại. Trong bối cảnh đó, công nghệ mã hóa hậu lượng tử (post-quantum cryptography) kết hợp với phân phối khóa lượng tử (quantum key distribution – QKD) nổi lên như một giải pháp chiến lược.
Hệ thống do China Telecom phát triển đã kết hợp hai trụ cột nói trên: sử dụng QKD để tạo và phân phối khóa mã hóa hoàn toàn ngẫu nhiên, không thể sao chép hay nghe lén nhờ đặc tính cơ bản của cơ học lượng tử, đồng thời áp dụng mã hóa hậu lượng tử dựa trên các thuật toán toán học không dễ bị tấn công kể cả bởi máy tính lượng tử. Cách tiếp cận này tạo nên một kiến trúc bảo mật đầu-cuối mang tính cách mạng.
Khác với nhiều công nghệ lượng tử hiện vẫn đang nằm trong phòng thí nghiệm, giải pháp của China Telecom đã sẵn sàng cho triển khai thương mại quy mô lớn. Hệ thống được thiết kế với kiến trúc ba lớp bảo mật, đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm thực địa tại 16 thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hợp Phì và Quảng Châu – nơi các mạng đô thị lượng tử được thiết lập để tạo thành một “xương sống” liên lạc bảo mật quốc gia.
Tiêu biểu là mạng lượng tử tại Hợp Phì – được mô tả là lớn và tiên tiến nhất thế giới – bao phủ 1.147 km cáp lượng tử, phục vụ hơn 500 cơ quan chính phủ và gần 400 doanh nghiệp nhà nước. Với 8 nút lõi và 159 điểm truy cập, mạng này chứng minh tiềm năng triển khai thực tế quy mô lớn của công nghệ vốn từng được coi là chỉ tồn tại trong lý thuyết.
Không dừng ở hạ tầng truyền dẫn, China Telecom đang xây dựng một hệ sinh thái toàn diện xung quanh bảo mật lượng tử. Nền tảng Quantum Secret – công cụ nhắn tin và cộng tác bảo mật đầu tiên trên thế giới – cung cấp giải pháp bảo vệ liên lạc nhạy cảm cho doanh nghiệp và chính phủ. Trong khi đó, Quantum Cloud Seal hướng đến các ứng dụng chuyên biệt như quản trị nội bộ, phê duyệt văn bản và kiểm toán tài chính.
Những nền tảng này cho thấy rõ chiến lược của Trung Quốc: không chỉ dừng ở hạ tầng vật lý mà còn chiếm lĩnh cả tầng ứng dụng – nơi công nghệ mã hóa lượng tử có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh về bảo mật trong thời đại AI và dữ liệu lớn.
Với bước đi này, Trung Quốc không chỉ vượt lên dẫn đầu về bảo mật lượng tử mà còn gửi đi một thông điệp rõ ràng: ai làm chủ an ninh lượng tử sẽ có lợi thế chiến lược trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Trong bối cảnh phương Tây, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm với mã hóa hậu lượng tử và QKD, động thái của China Telecom cho thấy một sự dịch chuyển quyền lực tiềm tàng trong trật tự mạng toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, nếu công nghệ này được nhân rộng, một “Internet lượng tử” với tính bảo mật gần như tuyệt đối có thể định hình lại toàn bộ cách thế giới giao tiếp, lưu trữ và bảo vệ dữ liệu. Trong kịch bản đó, quốc gia nào kiểm soát được hạ tầng và chuẩn bảo mật lượng tử, quốc gia đó sẽ dẫn dắt cuộc chơi an ninh mạng thế kỷ 21.