Thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” nhằm đưa ra nhiều nội dung góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doang nghiệp Việt Nam.
Hội thảo là cơ hội để NHNN và các cơ quan quản lý lắng nghe các ý kiến đánh giá, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các dịch vụ ngân hàng, cải tiến các thủ tục mang tính hành chính làm cản trở trong quan hệ tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; là cơ sở để NHNN tổ chức xây dựng, chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực về cải cách hành chính (CCHC) để tiếp tục cải thiện, nâng cao hơn nữa chỉ số tiếp cận tín dụng, thúc đẩy cải thiện hơn nữa quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ngành ngân hàng đã có đóng góp to lớn vào ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ sự phát triển cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay có 80% nguồn vốn tín dụng đang dành cho khu vực sản xuất kinh doanh, nguồn cung ứng tín dụng cho BOT ổn định và có xu hướng giảm. Theo số liệu của VCCI, trong số hơn 500.000 doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, 97% là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số này có đến 85-90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 1 số doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng khẳng định quan hệ tín dụng là bình đẳng giữa DN, hộ nông dân và ngân hàng. Các ngân hàng không được yêu cầu thêm thủ tục, nhưng ngược lại doanh nghiệp không thể yêu cầu ngân hàng cho vay ngoài quy định.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng các tổ chức tín dụng cần phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng; trong đó, có những sản phẩm đặc thù cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa như sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn. Cùng với đó, cần đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục có như vậy, chắc chắn quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được cải thiện và chỉ số tiếp cận tín dụng sẽ được nâng lên.
Thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức thêm nhiều hội thảo phối hợp với các địa phương để các DN chưa có điều kiện tham gia sẽ tham gia. Sự vào cuộc của các cấp ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương cùng ngân hàng và DN là cách giải quyết kịp thời và thiết thực nhất giải quyết vấn đề liên quan đến tín dụng.