Hội thảo "Cơ hội và thách thức khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" nhằm mục tiêu tạo ra mối liên kết, đối thoại giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với các nhà hoạt định chiến lược, chính sách nhằm đưa ra các luật định, giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ về những lợi thế và hạn chế cũng như bàn về những giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công Nghiệp nhấn mạnh: “Thông qua hội thảo này tôi hy vọng các doanh nghiệp xác định được mình đang ở đâu, mình cần gì, làm gì để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu".
Phát biểu tại hội thảo, bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nắm giữ nhiều lợi thế và được các đối tác nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, những thách thức chính khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam đó là thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp; Không đáp ứng được giá theo yêu cầu; Không đáp ứng được đơn hàng, doanh nghiệp nhỏ chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ vì thiếu vốn, thiếu năng lực quản lý; Thiếu các công đoạn gia công có chất lượng để sản xuất cụm hoàn chỉnh. Bên cạnh đó việc, thiếu kênh phân phối và năng lực thương mại hạn chế, thiếu thông tin.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Công ty Điện tử Samsung Việt Nam cũng chia sẻ về những hạn chế của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Năng lực sản xuất nhỏ lẻ, trình độ quản trị yếu và nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Và những đóng góp của Samsung giúp doanh nghiệp Việt đạt tiêu chuẩn trở thành các nhà cung cấp (Vendor) cấp 1 và cấp 2.
“Một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ Samsung nhiều nhất đó là tham gia vào việc chế tạo các thiết bị điện tử gia dụng như điều hòa, TV, tủ lạnh. Còn điện thoại với các linh kiện tinh vi thì khó hơn. Ngoài ra còn mảng laptop cũng cũng cần hợp tác nhiều hơn”, đại diện Samsung phát biểu.
“Các nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam của Samsung có quy mô lớn nhất thế giới chiếm 60% sản lượng bán ra trên toàn cầu được đặt ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Nếu Samsung có thể mua linh kiện sản xuất từ các doanh nghiệp nội địa thì đây sẽ là lợi thế lớn và làm giá thành điện thoại giảm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đạt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật. Các doanh nghiệp Việt mới chỉ tiếp cận được những mảng đơn giản như bao bì, vỏ hộp hoặc gia công cơ khí những thiết bị có kích cỡ lớn”.
Ở Việt Nam hiện nay, Chính phủ đang rất kỳ vọng vào Samsung là doanh nghiệp FDI lớn nhất và có kim ngạch xuất khẩu lên đến 59 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tại hội thảo trước đó, Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Trưởng Ban phụ trách hoạch định chiến lược của Toyota cũng đã nói lên tầm quan trọng của việc cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của trong các sản phẩm của Toyota và những nỗ lực của công ty giúp đỡ doanh nghiệp Việt. “Đơn giản như một chiến nắp bình xăng nếu nhập khẩu từ Thái Lan về tận cửa công ty có giá 1,5 USD. Nếu mua của doanh nghiệp nội địa sản xuất thì giá cao hơn là 3,8 USD”. Điều đó cho thấy chi phí sản xuất xe trong nước sẽ đắt hơn 20-30% do tỷ lệ nội địa hóa thấp.
“Ba nguyên nhân dẫn đến giá thành cao của các linh kiện sản xuất nội địa là do: Sản lượng thấp – Chi phí sản xuất cao do thiếu kinh nghiệm – Chi phí nguyên vật liệu cao do phải nhập khẩu”, Ông Hiếu nói.
Chuỗi hội thảo trong khuôn khổ Triển lãm VIMEXPO 2020 được tổ chức với mục tiêu tạo ra mối liên kết, đối thoại giữa các công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ với các nhà hoạch định chiến lược, chính sách nhằm đưa ra các luật định, giải pháp phù hợp để thúc đấy phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam.