Theo New York Times, Facebook cho hơn 10 công ty truy cập rộng rãi vào dữ liệu cá nhân của 2,2 tỷ người dùng mà không có sự cho phép của họ, bao gồm tin nhắn riêng tư, tên, thông tin liên hệ bạn bè. Tiết lộ xung đột với tuyên bố của Facebook rằng họ không còn cho các ứng dụng bên thứ ba tiếp cận thông tin người dùng thông qua bạn bè của họ nữa. Thông tin được đưa ra sau khi New York Times có được hàng trăm tài liệu nội bộ của Facebook. Bài báo đăng vào muộn ngày thứ Tư (19/12) theo giờ địa phương.
Tờ báo nổi tiếng tố cáo: “Facebook cho công cụ tìm kiếm Bing xem tên của tất cả bạn bè của người dùng Facebook mà không được sự cho phép, các chương trình ghi âm, cho Netflix và Spotify khả năng đọc tin nhắn riêng tư người dùng”.
Theo mạng xã hội này, nói một cách đơn giản, việc này mang lại hai lợi ích cho người dùng.
Thứ nhất, người dùng có thể truy cập tài khoản Facebook của mình hoặc các tính năng chuyên biệt của Facebook trên các thiết bị và nền tảng được xây dựng bởi những công ty khác như Apple, Amazon, Blackberry và Yahoo. Những công ty này được biết đến là đối tác tích hợp (Integration partner).
Thứ hai, người dùng có thể có nhiều trải nghiệm xã hội hơn - ví dụ xem đề xuất hoặc gợi ý từ bạn bè trên Facebook - trên các ứng dụng và trang web phổ biến khác như Netflix, New York Times, Pandora và Spotify.
"Chúng tôi có thể khẳng định rằng không có sự hợp tác hay tính năng nào trên đây cho phép các đối tác này truy cập thông tin mà không có sự cho phép của người dùng, cũng như vi phạm thỏa thuận năm 2012 của Facebook với Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC)", Facebook nhấn mạnh.
"Chúng tôi đã công khai các tính năng và đối tác này từ nhiều năm qua vì chúng tôi mong muốn người dùng thực sự sử dụng chúng - và rất nhiều người đã sử dụng. Những vấn đề này đã được thảo luận và xem xét kỹ lưỡng bởi nhiều nhà báo và những người ủng hộ bảo vệ quyền riêng tư", Facebook cho biết.
"Đối tác của chúng tôi có quyền truy cập tin nhắn không? Câu trả lời là có. Nhưng trước tiên người dùng phải đăng nhập rõ ràng vào Facebook để sử dụng tính năng nhắn tin của đối tác", Facebook cho biết.
"Lấy ví dụ như Spotify. Sau khi đăng nhập vào tài khoản Facebook tại máy tính để bàn, người dùng mới được phép gửi và nhận tin nhắn mà không cần rời khỏi ứng dụng. API của chúng tôi cung cấp cho các đối tác quyền truy cập vào tin nhắn của người đó để sử dụng các loại tính năng này."
Trích dẫn các tài liệu nội bộ của Facebook, The Times cho biết Spotify có thể đọc được tin nhắn của hơn 70 triệu người dùng Facebook mỗi tháng. Họ thậm chí có thể viết chèn lên và xóa tin nhắn của người dùng.
Tuy nhiên, cả Spotify và Netflix đều trả lời rằng họ không biết về quyền truy cập rộng rãi này. Một mặt, Facebook khẳng định họ không tìm thấy bằng chứng lạm dụng đến từ việc khai thác tin nhắn. Mặt khác, đại diện của Netflix cũng xác nhận rằng họ không truy cập tin nhắn của bất kỳ ai.
Hầu hết các tính năng này đã không còn được sử dụng nữa. Facebook cho biết đã ngừng tính năng cá nhân hóa tức thì được sử dụng để cung cấp cho các tính năng của Bing vào năm 2014 cũng như dừng việc hợp tác với các công ty cung cấp thiết bị và nền tảng từ nhiều tháng trước, sau thông báo vào tháng Tư.
Đây là sự việc mới nhất trong hàng loạt các vụ bê bối về quyền riêng tư của Facebook, tính từ đầu năm. Hiện tại, họ vẫn đang vật lộn trong bế tắc và đánh mất niềm tin từ người dùng sau vụ bê bối Cambridge Analytica hồi tháng 3. Facebook cũng đã tiết lộ nhiều vi phạm trong vài tháng qua, bao gồm một vụ truy cập dữ liệu ảnh hưởng đến 50 triệu người dùng hồi tháng 9.