Sau khi dịch vụ gọi xe Uber đã rút khỏi thị trường Đông Nam Á và hiện cuộc chiến chỉ còn lại giữa 2 startup giá trị nhất trong khu vực là Go-jek và Grab. Ngày hôm qua, Go-jek đã cho ra mắt phiên bản thử nghiệm ứng dụng gọi xe tại Singapore. Ban đầu, phiên bản thử nghiệm của ứng dụng sẽ để khách hàng đặt chuyến đi, mặc dù họ chỉ có thể được đón và trả trong một vài khu vực giới hạn.
Phiên bản beta được dùng để thử nghiệm và lấy ý kiến phản hồi từ một số người dùng trước khi nhà cung cấp bắt đầu triển khai toàn bộ dịch vụ.
Thông qua điện thoại thông minh, Go-Jek cung cấp các dịch vụ gọi xe cả xe máy và ôtô tư nhân bên cạnh nhiều dịch vụ từ massage và dọn nhà đến mua sắm và giao nhận thực phẩm. Tuy nhiên, trước mắt Go-Jek chỉ cung cấp dịch vụ xe taxi tại Singapore.
Go-Jek đã hợp tác với ngân hàng lớn nhất của Singapore là DBS, với hy vọng tận dụng dữ liệu khách hàng của ngân hàng này để nắm bắt thị phần, và đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Go-Jek cũng đã giành được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có Google, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore là Temasek và “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc Tencent.
Chủ tịch Go-Jek, Andre Soelistyo, cho biết sự góp mặt của công ty này sẽ góp phần đảm bảo “sự cạnh tranh lành mạnh”. Go-Jek đang thực hiện kế hoạch trị giá 500 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động ra bên ngoài Indonesia với trọng tâm ở thị trường Đông Nam Á, và gần đây đã cho ra mắt các dịch vụ tại Việt Nam và Thái Lan. Theo nghiên cứu của Google và Temasek, từ nay đến năm 2025, thị trường gọi xe Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt 20 tỷ USD.
"Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mạnh tay – có nghĩa là công ty chưa có lợi nhuận mặc dù một vài sản phẩm có khả năng có lãi", Soelistyo nói.
Như vậy, Go-Jek sẽ đối đầu trực tiếp với hãng Grab của Singapore hiện đang thống lĩnh thị trường Đông Nam Á kể từ khi mua lại toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thực phẩm của hãng Uber (có trụ sở tại Mỹ) tại khu vực này hồi đầu năm nay.
Theo một nghiên cứu của hãng Google và Temasek, thị trường gọi xe ở Đông Nam Á ước tính sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2025.