Tại buổi hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đánh giá tổng quan về Hiệp định Công nghệ thông tin (CNTT) mở rộng bao gồm cả danh mục hàng hóa và lộ trình thực hiện cam kết tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thông qua ITA 2.
Hiệp định CNTT (ITA) và ITA mở rộng mà VN tham gia khi gia nhập WTO sẽ đưa đến nhiều thời cơ và thách thức cho ngành CNTT trong nước vì phải dỡ bỏ thuế thuế quan đối với hàng trăm sản phẩm công nghệ, từ chất bán dẫn đến những chiếc điện thoại thông minh. ITA làm cho các sản phẩm công nghệ chuyển đổi trở nên có giá cả phải chăng và dễ tiếp cận hơn sẽ giúp thúc đẩy khả năng kết nối và mở ra cơ hội kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà Chính phủ cũng có thể tận dụng điều kiện mới mẻ này để hiện đại hóa nền kinh tế, thu hút đầu tư, tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị CNTT toàn cầu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác.
Các chuyên gia nước ngoài cũng có những đánh giá khả quan về những chuyển biến gần đây của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Ông John Neuffer, Giám đốc điều hành Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) cho biết: “Việt Nam rất thành công trong việc phát triển CNTT của mình và là thành viên của ITA. Việc tham tham gia ITA mở rộng sẽ mang lại cho GDP của Việt Nam thêm nhiều tỷ USD mỗi năm”.
Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân. Bà Đỗ Thúy Hương, đại diện đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp Điện Tử Việt Nam cho biết: “thị trường Việt Nam vẫn là một miếng bánh lớn chưa được khai thác. Từ nay cho đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam sẽ có khả năng tăng từ 7,3% lên 11,9%”.
Với thị trường đầy hứa hẹn như vậy nhưng các con số thống kê mà Bà Trương Thị Chí Bình – Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cung cấp lại cho thấy rất ít các doanh nghiệp nội địa Việt Nam đủ tiêu chuẩn tham gia vào ITA 2 và làm chủ thị trường trong nước.
Theo bà Bình, sức cung cấp linh kiện điện tử của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam còn rất hạn chế. Thống kê từ SIDEC năm 2014, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài chiếm 88%; thu mua trong nước thông qua các công ty thương mại 9%; mua trực tiếp từ nhà sản xuất 2%; doanh nghiệp Việt Nam cung cấp 1%.
Như vậy, chỉ một số ít các doanh nghiệp nội địa có thể tham gia khi nhận được sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài. Như việc Samsung Việt Nam đã tổ chức tư vấn, đào tạo cho các doanh nghiệp phụ trợ, qua vài năm, số doanh nghiệp nội địa đạt tiêu chuẩn chỉ khoảng 20 công ty và hoạt động ở một số ít sản phẩm phụ đơn giản.
“
Sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như ITA mở rộng vì quy trình yêu cầu ngày càng chặt chẽ”, bà Bình nói.
Theo đánh giá chung, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hầu hết có tuổi đời non trẻ hơn so với doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và trên thế giới. Do đa phần các nước đã thực hiện nền kinh tế tư bản từ rất lâu. Vì xuất phát điểm không giống nhau nên các doanh nghiệp nước ngoài có sự vượt trội ở nhiều khía cạnh. Và các doanh nghiệp Việt rất cần phải thay đổi cũng như có sự hỗ trợ của nhà nước để có thêm nhiều lợi thế trong cạnh trạnh và tồn tại, phát triển.
Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam vừa sinh sau đẻ muộn, vừa không được hưởng nhiều ưu đãi từ các chính sách của Chính phủ như các doanh nghiệp FDI. Phản ánh vấn đề này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết: Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Việc nhập khẩu các linh kiện cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính nhất là việc nhập các linh kiện để sản xuất thiết bị đặc chủng được miễn thuế nhập khẩu. Hoặc đối với các linh kiện nhập khẩu để sản xuất cụm linh kiện, bán thành phẩm cung cấp cho DN FDI để xuất khẩu thì các DN trong nước lại chưa được hưởng chế độ miễn thuế NK đối với việc sản xuất hàng xuất khẩu gián tiếp.
“
Quy định chung về thuế nhập khẩu dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất được miễn thuế, nhưng theo phương pháp khấu trừ, có những DN tính ra sẽ mất trên 10 năm mới được hoàn thuế, khoản tiền tạm ứng nộp thuế này DN đã phải vay ngân hàng, gây gia tăng sức ép về vốn và tăng giá thành sản phẩm”, theo đại diện VEIA.
Các nước đang phát triển cũng cần cân nhắc và tìm cách hạn chế, xử lý những vấn đề không mấy có lợi khi tham gia ITA. Thứ nhất, nguồn thu ngân sách từ việc đánh thuế các SP CNTT sẽ giảm đi. Thứ hai, các SP CNTT ngoại nhập xuất hiện ồ ạt trên thị trường nội địa có thể sẽ có ảnh hưởng xấu, hạn chế sự phát triển của nền công nghiệp CNTT ở các nước này. Đây là một thách thức lớn cho Việt Namcần phải vượt qua để hội nhập vào sân chơi chung đầy hứa hẹn của thế giới.
"Hiệp định Công nghệ thông tin, gọi tắt là ITA, ra đời tháng 12 năm 1996 tại Hội Nghị Bộ Trưởng (HNBT) các nước WTO, tổ chức tại Singapore. Nội dung chính của Hiệp Định này là quy định việc từng bước gỡ bỏ dần hàng rào thuế quan xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm (SP) liên quan đến CNTT, tiến tới miễn thuế hoàn toàn đối với các SP và dịch vụ trong thị trường này. Ban đầu có 29 nước cam kết tham gia HĐ bao gồm 15 nước trong liên minh Châu Âu, Úc, Canada, Đài Loan, Hồng Kông, Iceland, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nauy, Singapore, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Thị trường CNTT của 29 nước này chiếm 83% thị trường CNTT toàn thế giới. Tại thời điểm đó, người ta vẫn chưa xác định được rõ ràng thời điểm ITA bắt đầu có hiệu lực vì một điều khoản trong HĐ có quy định là thị trường CNTT của các nước thành viên ITA phải chiếm ít nhất 90% thị trường CNTT toàn thế giới. Tuy nhiên, đến 1/4/1997 đã có thêm 11 nước thành viên bao gồm Cộng Hòa Séc, Costa Rica, Estonia, Ấn Độ, Israel, Macao (nay thuộc Trung Quốc), Malaysia, New Zealand, Rumani, Slovak Republic và Thái Lan tham gia HĐ; 40 nước thành viên của ITA này chiếm 90% thị trường CNTT. Do vậy, HĐ CNTT ITA bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/07/1997. Việt Nam gia nhập Hiệp định này từ năm 2006. Đến nay ITA đã có tổng cộng 68 nước thành viên, chiếm 98% thị trường CNTT toàn cầu.
Những nội dung chính của Hiệp định công nghệ thông tin ITA Có ba nguyên tắc cơ bản sau mà mọi thành viên tham gia ITA cần phải thực hiện: 1. Phải tuân thủ danh sách các sản phẩm liên quan đến CNTT được ghi trong hiệp định. Danh sách này liệt kê đầy đủ các sản phẩm và mô tả chi tiết về các sản phẩm đó. 2. Từng bước giảm dần thuế xuất nhập khẩu đối với những sản phẩm được liệt kê trong hiệp định và tiến tới bỏ hẳn thuế xuất/nhập khẩu. 3. Tất cả các loại thuế khác cũng cần được gỡ bỏ từng bước." |