Cuộc họp báo được tổ chức bởi hãng Anger French Tech, đơn vị đăng cai tổ chức Diễn đàn Điện tử Thế giới năm 2017 tại Anger, CH Pháp, phối hợp cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, thành viên của Diễn đàn Điện tử Thế giới, đối tác trong nước của Ban Tổ chức Diễn đàn Điện tử Thế giới năm 2017 ở Việt Nam.
Sự kiện họp báo này đã thu hút sự quan tâm của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và nhiều sở ban ngành tại Hà Nội, các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam, cùng đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin về cuộc họp báo này.
Diễn đàn Điện tử Thế giới là nơi tập hợp của các hiệp hội ngành hàng liên quan tới ngành điện tử trên toàn thế giới theo nguyên tắc tự nguyện và phi lợi nhuận. Diễn đàn họp mỗi năm một lần với các nội dung tập trung vào một số vấn đề nóng của ngành điện tử toàn cầu, trao đổi thông tin về thị trường, công nghệ, liên kết các hiệp hội trong ngành hàng vì lợi ích chung và trợ giúp lẫn nhau để thúc đẩy ngành hàng ngày càng lớn mạnh. Tham dự các hội nghị thường niên của Diễn đàn là lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng của các quốc gia thành viên và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, các công ty đa quốc gia hội viên của các Hiệp hội này.
Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết: “Được thành lập từ năm 1995, đến nay, trải qua 22 năm hoạt động cũng như qua 21 Hội nghị thường niên, Diễn đàn Điện tử Thế giới ngày càng lớn mạnh và thu nạp thêm nhiều quốc gia thành viên. Khi mới thành lập WEF chỉ có hơn 10 quốc gia thành viên, đến nay đã có 58 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam được công nhận là quốc gia thành viên thứ 54 vào năm 2009”.
Năm 2013, Hà nội, Việt Nam đã từng được lựa chọn là nơi tụ họp của WEF lần thứ 18 với Ban tổ chức diễn đàn được giao cho Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam. WEF lần thứ 18 tại Hà Nội đã thành công rực rỡ với sự tham dự và khai mạc của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ thời gian đó, đồng thời được bạn bè quốc tế đánh giá cao, tạo tiếng vang và uy tín cho ngành điện tử Việt Nam.
Năm nay, 2017, Ban thư ký WEF đã quyết định chọn Anger, CH Pháp, cái nôi của công nghiệp sản xuất điện tử Châu Âu làm địa điểm diễn ra Diễn đàn Điện tử Thế giới lần thứ 22 từ ngày 24 đến 28 tháng 10 năm 2017. Đây là lần thứ 2, CH Pháp đăng cai tổ chức Diễn đàn Điện tử Thế giới (lần đầu năm 2000 tại Paris, CH Pháp).
Angers nằm ở miền Tây nước Pháp, là nơi đứng đầu về mật độ các cơ sở sản xuất điện tử, giải quyết 50.000 việc làm (chiếm 25% tổng số việc làm ở Pháp trong lĩnh vực công nghiệp điện tử). Là cái nôi của ngành công nghiệp điện tử của Pháp trong những năm 1960, Greater Angers vẫn là trung tâm của hệ sinh thái công nghiệp điện tử duy nhất ở châu Âu. Hơn thế nữa, thị trường điện tử châu Âu là thị trường lớn thứ hai trong toàn ngành công nghiệp điện tử.
Tháng 10 năm nay, tại Thành phố Angers, hãng Angers French Tech sẽ chủ trì Diễn đàn Điện tử Thế giới 2017 (WEF) kết hợp với một tuần lễ dành cho IoT với các hội nghị kỹ thuật, các chuyến tham quan doanh nghiệp và triển lãm tại khu đô thị thành phố Angers.
Tham dự Diễn đàn WEF, các đại biểu sẽ nhận được nhiều quyền lợi bao gồm cơ hội tiếp cận, nghiên cứu ngành công nghiệp, cơ hội để hợp tác với các hiệp hội tại WEF với nhiều sáng kiến đa dạng và để mở rộng mạng lưới xã hội!
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá: “Với sự phát triển của hoạt động sản xuất xuyên quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, ngành điện tử đã trở thành một ngành có định hướng xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2013 lần đầu tiên xuất khẩu điện tử đã vượt qua dệt may và là năm trong số mười nhóm sản phẩm xuất khẩu hàng đẩu của quốc gia. Đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử Việt Nam đứng vị trí số 1 trong số các ngành công nghiệp có xuất khẩu ở Việt Nam, lên tới con số 46 tỷ USD (trong đó: xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt hơn 30 tỷ USD; Máy tính và linh kiện đạt 15,8 tỷ USD). Năm 2016, xuất khẩu toàn ngành điện tử đạt 53 tỷ USD (trong đó: xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 34,32 tỷ USD; Máy tính và linh kiện đạt 18,96 tỷ USD) tiếp tục đứng vị trí số 1 trong 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Việt Nam cũng được nhiều tổ chức có uy tín và chuyên gia trên thế giới đánh giá là điểm đến và là công trường của công nghiệp chế biến, chế tạo trong thế kỷ XXI”
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn ủng hộ các doanh nghiệp điện tử tham gia những diễn đàn có uy tín như thế này và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngành điện tử phát triển bền vững tại Việt Nam.
Việc tham gia vào Diễn đàn Điện tử Thế giới định kỳ hàng năm đã, đang và sẽ là một hoạt động không thể thiếu của giới doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam với vị trí ngày càng vững chắc và có uy tín trong các hiệp hội ngành hàng điện tử đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.