Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020, nhiều đại diện các tập đoàn lớn đã có những chia sẻ về vấn đề công nghệ số cũng những thành tựu đạt được của đơn vị.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có một bài phát biểu rất ấn tượng về con đường phát triển công nghệ số của Việt Nam khi ông chú trọng đến các sản phẩm nội địa. "Không Make in Viet Nam thì không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng", ông Hùng nhấn mạnh ngay từ những câu đầu tiên của bài phát biểu.
Theo thống kê chỉ sau một năm, hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. Đây là một con số kỷ lục khi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. "Ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời. Những nhà quản lý đã không đánh giá hết sức mạnh của dân Việt Nam, nhất là khi có một ngọn cờ đúng đắn được dương cao. Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025", ông Hùng nói.
Bộ trưởng cho biết, chiến lược của Việt Nam trong tương lai là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Viet Nam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn. Lời giải vấn đề là công nghệ mở.
"Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Chính vì vậy Make in Viet Nam sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp cho nước ta phát triển. Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng kêu gọi: "Mỗi doanh nghiệp hãy bắt đầu khát vọng lớn bằng một việc nhỏ, và hãy làm việc nhỏ ấy với một khát vọng lớn, với một tình yêu lớn. Và khi đó những việc nhỏ sẽ không nhỏ nữa vì chúng đồng hướng do chung một khát vọng lớn và vì thế, chúng được cộng lực với nhau để có một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc".
Sau bài phát biểu của Bộ trưởng, đến lượt đại diện các doanh nghiệp công nghệ số trình bày về thành tựu đã đạt được trong thời gian qua.
Viettel đã có vị trí khá tốt về thương hiệu khi đứng thứ 28 thế giới
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Nam - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có những chia sẻ về câu chuyện Viettel - doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng những thành tựu đạt được.
Theo ông Nam, với hơn 30 năm thành lập và phát triển, Viettel hiện là tập đoàn Công nghệ viễn thông hàng đầu Việt Nam nhờ chuyển đổi số. Đến nay Viettel có doanh thu hàng năm đạt 20 tỉ USD, lợi nhuận 40 nghìn tỉ đồng, vào top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Thương hiệu viễn thông của Viettel đứng số 1 Đông Nam Á, đứng thứ 28 của thế giới.
Ông Nam cho rằng, để đạt được những thành tựu số, tập đoàn chú trọng đổi mới tổ chức văn hoá và xây dựng nhân tài. Từ năm 2019, tập đoàn tái cơ cấu tổ chức, thành lập các tổng công ty chuyên trách về chuyển đổi số. Tập đoàn chú trọng chuyển dịch nguồn nhân lực phục vụ công nghệ thông tin, công nghệ cao với chế độ đãi ngộ xứng đáng. Hiện trong lĩnh vực an ninh mạng, trong top 100 cao thủ thế giới có 4 người làm tại Viettel.
Cũng theo ông Nam, việc đổi mới công nghệ, chuyển đổi số nên lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời thu hút các công ty công nghệ thế giới trên thế giới, có những chính sách ưu tiên, ưu đãi để xây dựng trung tâm tại Việt Nam.
Đại diện VinBrain kể về câu chuyện phát triển AI trong hệ thống y tế
Rời bỏ vị trí cấp cao tại Microsoft AI về Việt Nam sau 36 năm sống và làm việc tại nước ngoài, ông Trương Quốc Hùng - Tổng Giám đốc Công ty VinBrain chia sẻ 3 câu chuyện phát triển AI trong lĩnh vực y tế với tên gọi Biết, hiểu và cảm.
Câu chuyện đầu tiên - "Biết" được đại diện Vinbrain kể về sự nhận biết tầm quan trọng của một hệ thống trong lĩnh vực y tế. Theo ông, hiện nay có khoảng 2 tỷ người trên thế giới bị chẩn đoán sai, dẫn đến hàng loạt hệ quả tiêu cực trong chẩn đoán và điều trị. Ngoài ra, bài toán AI cho ngành y tế chưa có định vị, các giải pháp cho lĩnh vực này chỉ nhận được đầu tư rải rác trên thế giới. "Ai cũng biết điện thoại thông minh với những doanh nghiệp hàng đầu là Samsung, Apple, nhưng Ai cho y tế, chưa nghe thấy tên tuổi đứng đầu", ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tại VinBrain hiện nay, 95% nhân lực là những người Việt Nam từ nước ngoài cùng hơn 50 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đầu ngành tại Việt Nam và hội đồng chuyên môn gồm các bác sĩ, giáo sư đầu ngành Đây là đội ngũ đang hợp sức để xây dựng sản phẩm AI cho y tế của Vietnam đạt chuẩn quốc tế và mang chất lượng của người Việt, với 18 loại bệnh có thể chẩn đoán, nhận 3 bằng sáng chế ở Mỹ và Việt Nam chỉ sau một năm triển khai.
Tuy nhiên để phát triển hơn nữa hệ thống AI trong y tế, ông Trương Quốc Hùng nhấn mạnh: "AI sẽ không hoàn hảo nên cần sự phát triển thí điểm đánh giá và kết hợp trí tuệ với các doanh nghiệp hàng đầu".
Vị đại diện VinBrain nhận định, dự án AI luôn cần sự hẫu thuẫn của Chính phủ, bộ, ban ngành trong chế tài về phát triển công nghệ. Để làm AI tốt cần dữ liệu lớn và sạch để tránh rải rác, vì vậy ông kêu gọi sự ủng hộ về chia sẻ dữ liệu để xây dựng thành công cho y tế.
Đại diện cho nền kinh tế chia sẻ, bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group dành nhiều thời gian để nói về công nghệ và cộng đồng khởi nghiệp.
"Công nghệ số xoá đi khoảng cách giữa những lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp. Công nghệ số tạo ra kinh tế số với một tiềm năng rất lớn", bà Hoàng Phương mở đầu.
Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài mang đến những giá trị trước mắt, bà Phương nhận ra rằng nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới.
Be đang phát triển từng yếu tố trong hệ sinh thái của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khách hàng. Trong 2 năm vừa qua, Be cũng gặp một số khó khăn nhất định. Bà Phương cho rằng khối nội phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đang thâu tóm lẫn nhau, sáp nhập dẫn đến tình trạng độc quyền.
"Chúng tôi hy vọng sẽ có những chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp thuần Việt song song với quy định chung. Các startup là những mầm cây, khi bước ra khỏi vườn ươm, chúng tôi mong muốn nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ và khách hàng", bà Phương nói.
Ngoài ra, hoạt động bên lề Diễn đàn là Triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt Giải thưởng, sản phẩm công nghệ số “made in Vietnam”.
Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 đang lan rộng trên toàn thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có ‘Chiến thắng kép” vừa thành công trong việc kiểm soát đại dịch vừa giữ mức tăng trưởng thuộc loại cao nhất trong khu vực và cả thế giới năm 2020.