Trong hai ngày 12-13/7 tại Hà Nội sẽ diễn ra Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2018 với chủ đề: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đây là sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức. Cùng tham dự có gần 2000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng trên 70 cơ quan thông tấn báo chí.
Diễn đàn cấp cao “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0)” được tổ chức trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế. Thực tế, đây là vấn đề khá mới ở Việt Nam, trong hơn 1 năm qua, có khá nhiều bộ, ngành hưởng ứng tích cực Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhưng vẫn còn khá nhiều lúng túng, không biết làm từ đâu, nguồn lực từ đâu,…
Điểm nhấn lớn nhất trong chuỗi sự kiện là phiên Diễn đàn cấp cao với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Phiên đối thoại này tập trung chủ yếu vào chủ trương, chính sách tham gia CMCN 4.0 và 5 phiên hội thảo chuyên đề với các chuyên gia đến từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD); Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Ngân hàng Thế giới (WB), các doanh nghiệp và tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu về công nghiệp 4.0 sẽ góp phần hóa giải những vấn đề trọng tâm của CMCN 4.0 bao gồm: Những xu hướng lớn của CMCN 4.0 - Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam; Đô thị thông minh; Phát triển nền sản xuất thông minh; Nông nghiệp thông minh; Bước tiến mới trong ngành tài chính-ngân hàng.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp rõ ràng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam và nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cần thực hiện. Sự kiện này không chỉ nhằm góp phần xây dựng các Nghị quyết của Bộ Chính trị mà còn là sự kiện quan trọng giúp lan tỏa nhận thức về những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế trung ương đã nhấn mạnh rằng, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn. Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu về công nghệ, dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, đáng chú ý chính là Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 với gần 50 gian hàng của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới và trong khu vực. Các doanh nghiệp mang đến những giải pháp công nghệ hiện đại như: Hệ thống sản xuất tích hợp CIM, Nhà máy thông minh, Công nghệ nano, Công nghệ Blockchain, Fintech, Công nghệ robot,…thuộc các ngành, lĩnh vực chủ chốt công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, y tế, giao thông, tài chính-ngân hàng, thương mại điện tử…
Khách tham quan sẽ có những trải nghiệm mới mẻ với các ứng dụng công nghệ và sản phẩm công nghiệp thông minh từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp giao lưu, gặp gỡ các đối tác làm ăn cũng như giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ của mình tới người tiêu dùng.