Theo nguồn tin của hãng tin tài chính Bloomberg, các nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom đã thông báo cho nhân viên về việc không cung ứng cho Huawei đến khi có thông báo tiếp theo. Nguồn tin khác tiết lộ Google cũng dừng cung cấp phần cứng và một số dịch vụ cho gã khổng lồ của Trung Quốc.
Hành động của chính quyền Tổng thống Trump sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền trên diện rộng toàn ngành công nghiệp bán dẫn. Intel là nhà cung ứng chip máy chủ chính của Huawei, Qualcomm cung ứng chip và modem cho smartphone, Xilinx bán chip lập trình được dùng trong mạng và Broadcom là nhà cung cấp chip chuyển đổi, một linh kiện quan trọng khác trong thiết bị mạng.
Năm ngoái, ZTE đã bị Mỹ áp đặt lệnh cấm vận thương mại đã khiến cho công ty Trung Quốc này gần như phá sản khi không thể sử dụng các công nghệ của Mỹ.
Đại diện của các hãng này từ chối bình luận.
Quyết định "đường ai nấy đi" trên được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước liệt Huawei vào danh sách đen sau những cáo buộc cho rằng tập đoàn này hỗ trợ Bắc Kinh trong các hoạt động gián điệp.
Ryan Koontz, nhà phân tích của hãng chứng khoán Rosenblatt Securities, nhận xét Huawei “phụ thuộc nặng nề vào sản phẩm bán dẫn của Mỹ và sẽ bị tê liệt nghiêm trọng nếu thiếu nguồn cung linh kiện thiết yếu từ Mỹ”. Lệnh cấm “có thể khiến Trung Quốc phải trì hoãn việc xây dựng mạng 5G và ảnh hưởng đến nhiều nhà cung ứng linh kiện toàn cầu khác”.
Huawei từng nói đã dự trữ đủ chip và linh kiện quan trọng để duy trì kinh doanh trong ít nhất 3 tháng. Họ đã chuẩn bị cho ngày hôm nay từ khoảng giữa năm 2018, vừa tích trữ linh kiện vừa thiết kế chip riêng. Tuy nhiên, các quan chức công ty tin rằng Huawei đã trở thành quân bài trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và họ có thể được khôi phục hoạt động mua bán một khi đạt được thỏa thuận.
Động thái của các công ty Mỹ có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ còn gây áp lực lên đồng minh để không sử dụng thiết bị Huawei cho mạng 5G.
Huawei cũng nỗ lực phát triển các hệ điều hành thay thế Android và Windows, đặc biệt để đối phó với tình huống khó khăn hiện tại trước động thái "gây sốc" của Google.
Trước đây, Huawei là một trong số ít các đối tác phần cứng của Google được tiếp nhận sớm phần mềm, tính năng Android. Bên ngoài Trung Quốc, quan hệ này vô cùng quan trọng đối với Google để phát hành ứng dụng và củng cố quảng cáo di động.
Thiết bị Huawei vẫn được cập nhật ứng dụng và bảo mật đi kèm với phiên bản nguồn mở của Android. Đại diện Google chưa lên tiếng cụ thể, ngoại trừ phát ngôn: “Chúng tôi đang tuân thủ yêu cầu và xem xét tác động liên quan”.