Quỹ này có mục tiêu chính là cải thiện thiết kế và sản xuất các bộ vi xử lý tiên tiến cùng các đơn vị xử lý đồ họa. Đây là thành phần cốt lõi cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và PC.
Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã đề xuất các nhà sản xuất chip Mỹ về việc đầu tư và tham gia vào sáng kiến mới này. Tuy nhiên, các công ty nước ngoài dường như sẽ không tham gia do đang là thời gian nhạy cảm về mặt chính trị và quỹ đầu tư này có thể làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các chip của Mỹ.
Thông tin về quỹ đầu tư này xuất hiện chỉ vài tuần sau khi trang tin Reuters đưa tin về những kế hoạch của Trung Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa. Một số quan chức cấp cao của Chính phủ nước này được cho là đã tổ chức gặp mặt với các tổ chức và các nhà quản lý của ngành công nghiệp để thảo luận kế hoạch. Những "tay chơi" nội địa như HiSilicon của Huawei, Tsinghua Group và Semiconductor Manufacturing International Corp sẽ là những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ các kế hoạch đầu tư này.
Thời gian gần đây, Trung Quốc và Mỹ đã gặp phải một vài bất cập trong giao thương, khi Mỹ ra lệnh cấm cung cấp linh kiện cho ZTE của Trung Quốc. Công ty Trung Quốc có thể mất nguồn cung cấp chip di động Snapdragon từ công ty Qualcomm của Mỹ. Lệnh cấm được đưa ra sau khi ZTE vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại Iran.
Hiện nay, Huawei cũng đang bị điều tra vì nghi có vi phạm lệnh cấm vận đối với Iran giống như ZTE. Thương hiệu điện thoại này lẽ ra đã công bố các thỏa thuận với nhà mạng Mỹ tại CES 2018 để chính thức bước chân vào thị trường này, nhưng Chính phủ Mỹ đã gây sức ép khiến thương vụ bị hủy bỏ vào phút chót.
Các quan chức Trung Quốc dự kiến công bố sáng kiến mới sớm. Liệu sự đầu tư lần này của chính phủ Trung Quốc có giúp ngành công nghiệp bán dẫn của nước này gặt hái được những thành công và gây ảnh hưởng gì đến những doanh nghiệp sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, Qualcomm, Broadcom hay không? thời gian sẽ cho chúng ta biết!