Trước áp lực từ chính phủ, một số mỏ đào tiền mã hóa ở Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng kinh doanh ở quê nhà, chuyển hoạt động khai thác sang nước ngoài.
Còn một số khác đã bắt đầu tháo dàn, bán máy và thanh lý nhà xưởng.
Theo Reuters, cuối tuần qua, Phó thủ tướng Lưu Hạc và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố sẽ siết chặt quản lý hoạt động khai thác, giao dịch tiền ảo. Khai thác tiền ảo đang là một ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc, chiếm tới 70% nguồn cung tiền ảo trên thế giới.
Ngay sau thông báo này, giá Bitcoin đã giảm mạnh khoảng hơn 3.000 USD, tương đương 8%. Trong 24h, Bitcoin đã mất 31% giá trị vốn hóa. Các đồng tiền mã hóa khác cũng chìm trong sắc đỏ.
Theo bản tin đăng trên cổng thông tin điện tử chính phủ Trung Quốc, cấm Bitcoin là một trong ba nhiệm vụ mà chính phủ nước này đưa ra với các cơ quan quản lý tài chính. Hai nhiệm vụ còn lại là giảm và kiểm soát các nguy cơ tài chính của Bitcoin.
Hàng loạt động thái mới nhất của Trung Quốc khiến Bitcoin tiếp tục lao dốc mạnh, giảm gần 50% so với mức cao nhất mọi thời đại.
HashCow - công ty khai thác tiền mã hóa hiện sở hữu 10 chi nhánh rải rác khắp các tỉnh Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tuân thủ quy định của chính phủ. HashCow cho biết sẽ ngừng mua các thiết bị đào Bitcoin mới và hứa sẽ hoàn tiền đầy đủ cho những nhà đầu tư đặt hàng ở đây nhưng chưa bắt đầu khai thác.
Nhiều lần bị chính phủ đe dọa, một số mỏ đào Bitcoin ở Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch chuyển hoạt động sang nước ngoài. Điển hình như Huobi Mall - một nhánh nhỏ của sàn giao dịch tiền mã hóa Huobi tuyên bố đình chỉ hoạt động kinh doanh lưu ký hôm 23.5. Họ thông báo trên cộng đồng Telegram như sau: "Chúng tôi đang liên hệ với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài để mở đường cho việc xuất khẩu các giàn khai thác trong tương lai", đồng thời trấn an khách hàng đừng quá lo lắng.
BTC.TOP - một mỏ đào Bitcoin khác cũng thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc để tránh vi phạm quy định của nhà nước. Trên Weibo, Jiang Zhuoer - người sáng lập BTC.TOP cho biết sẽ chuyển hoạt động kinh doanh sang thị trường Bắc Mỹ.
Người này viết: "Về lâu dài, hầu như tất cả giàn khai thác tiền mã hóa của Trung Quốc sẽ được bán ra nước ngoài, vì các cơ quan Trung Quốc đang ngăn chặn hoạt động khai thác tại quê nhà".
Jiang dự đoán Trung Quốc sẽ mất cả sức mạnh đào tiền mã hóa vào tay các thị trường nước ngoài, khi đó, các mỏ đào ở Mỹ và châu Âu sẽ lên ngôi.
Vấn đề về tiêu thụ điện năng và phát thải khí nhà kính đã khiến hoạt động đào Bitcoin trở thành tâm điểm chỉ trích trong thời gian gần đây. Trong kết luận ở cuộc họp của giới chức Trung Quốc hôm thứ sáu (21/5), Bắc Kinh cho biết sẽ mạnh tay trấn áp các hoạt động đào và giao dịch tiền ảo trong thời gian tới.
Tác động môi trường của việc đào Bitcoin là rất lớn. Vào tháng 4, nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Communications kết luận các trang trại Bitcoin tại Trung Quốc sẽ thải ra 130 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024, cao hơn khí thải của toàn bộ Cộng hòa Séc.