Theo báo South China Morning Post, yêu cầu quét khuôn mặt này được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin công bố vào tháng 9. Trước khi có yêu cầu này, người dân đăng ký dịch vụ điện thoại di động chỉ phải cung cấp một bản sao thẻ chứng minh nhân dân.
Chính quyền Trung Quốc giải thích rằng đạo luật này là cần thiết để giảm số lượng kẻ lừa đảo, nhưng các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng bây giờ công dân Trung Quốc sẽ không thể sử dụng số điện thoại nặc danh. Theo ghi nhận của Engadget, ở hầu hết các quốc gia, một loại giấy tờ nhận dạng là đủ để ký các hợp đồng như vậy. Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên không chỉ yêu cầu hộ chiếu mà còn phải quét khuôn mặt bắt buộc.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết biện pháp mới sẽ giúp ngăn chặn hành vi bán lại SIM và bảo vệ mọi người khỏi việc vô tình đăng ký các dịch vụ điện thoại trong trường hợp danh tính của họ bị đánh cắp.
Nhiều dịch vụ trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc gắn với số điện thoại di động để đảm bảo chính quyền có thể theo dõi người dùng.
Trước khi áp dụng cho các dịch vụ công nghệ, Trung Quốc từng sử dụng nhận dạng khuôn mặt để khảo sát dân số. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc chính quyền Trung Quốc liên tục đưa công nghệ nhận diện xuất hiện rộng rãi trên toàn quốc đã gây ra tranh luận.
Một số người nói rằng các nhà khai thác viễn thông đã bắt đầu quét khuôn mặt người dùng trước khi chính sách ra mắt chính thức. Họ hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp giảm gian lận viễn thông và lừa đảo qua điện thoại, trong khi những người khác nói đó chỉ là một ví dụ khác về việc chính phủ tăng cường giám sát công dân.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Quá trình so sánh một người với cơ sở dữ liệu 1,4 tỉ người chỉ mất có 3 giây. Các nhà phát triển hệ thống thông minh dựa trên học máy đang ngày càng phổ biến ở nước này và cùng với đó là sự quan tâm càng tăng của các nhà đầu tư.
Một số chuyên gia lo ngại rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được sử dụng tràn lan mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp.
Một thông tin trên đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết nhiều ứng dụng ở Trung Quốc đã thu thập dữ liệu khuôn mặt của mọi người mà không có thỏa thuận người dùng.
Đã có trường hợp, hơn 5.000 dữ liệu khuôn mặt được bán trực tuyến chỉ với giá 10 nhân dân tệ (1,40 USD). Báo People Daily đã đưa ra bình luận nói rằng mọi người nên có quyền "nói không" khi được yêu cầu quét khuôn mặt.
Nhưng ngay cả khi có luật pháp bảo vệ dữ liệu khuôn mặt của người dân, một số chuyên gia pháp lý cho rằng luật pháp cũng không ngăn chặn được nguy cơ thông tin cá nhân bị lạm dụng.
Trung Quốc đang ngày càng giám sát công dân nước này chặt chẽ hơn. Trong năm 2017, Trung Quốc đã có 170 triệu camera quan sát trên toàn quốc và dự định đến năm 2020 sẽ lắp đặt khoảng 400 triệu chiếc mới.
South China Morning Post cho biết, chính quyền Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống điểm tín dụng xã hội để thu thập và phân tích dữ liệu đánh giá các cá nhân trong độ tuổi 18-45 trong một cơ sở dữ liệu khổng lồ.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, mọi công dân Trung Quốc sẽ được đăng ký vào một cơ sở dữ liệu quốc gia rộng lớn nhằm tổng hợp thông tin tài chính và cho ra “điểm xếp hạng” của mỗi người.