Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Điện tử Việt Nam và xu hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm thúc đẩy các hoạt động có chiều sâu trong việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp với Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam và Công ty VINEXAD tổ chức hội thảo nhằm tư vấn về trách nhiệm xã hội trong lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Trước đó, cùng tháng 12, VEIA đã tổ chức các tập huấn cho các doanh nghiệp tại Bắc Ninh, Hải Phòng và Hà Nội và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp tham gia.
Ngày nay, các doanh nghiệp trong ngành điện tử đều biết đến tiêu chuẩn EICC, đây được cho là tấm Visa cho các nhà sản xuất linh phụ kiện trong nước có nhiều khả năng trở thành nhà cung cấp (vendor) cho các hãng thiết bị điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam như Samsung, LG, hay Foxconn, ITO … mà thông thường, các doanh nghiệp sẽ phải tìm đến những công ty chuyên tư vấn liên quan đến chứng chỉ EICC.
Khai mạc hội thảo, Bà Lễ Nguyễn Duy Oanh, PGĐ Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương, Tp. Hồ Chí Minh phát biểu: “Việt Nam có cơ hội để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên các doanh nghiệp nội địa luôn gặp khó khăn về vốn, công nghệ và khả năng tự liên kết để trở thành nhà cung cấp cho các công ty nước ngoài. Xin cảm ơn VEIA đã tổ chức hoạt động rất có ý nghĩa và quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng. Hy vọng hoạt động này sẽ nhận được sự hưởng ứng của tất cả các doanh nghiệp”.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thuý Hương nhận định khái quát về tình hình ngành điện tử Việt Nam hiện nay: “Trong suốt 3 năm gần đây, xuất khẩu điện thoại và các linh kiện điện tử luôn giữ vị trí đứng đầu, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành này,” Bà Hương nhấn mạnh: “Hoạt động Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam hiện tập trung chính vào việc kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI đồng thời cũng là cơ quan trung gian truyền tải những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong nước đến cơ quan quản lý nhà nước giúp cho quá trình hoạch định những chính sách phù hợp với thực trạng Việt Nam”.
Bà Đoàn Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Tiêu chuẩn điện tử, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam giới thiệu Bộ Quy tắc ứng xử theo EICC (Electronic Industry Citizenship Coalition) đưa ra các tiêu chuẩn để đảm bảo điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử được an toàn, người lao động được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và được thực hiện tốt. EICC được coi là một phần của ngành điện tử vì những mục đích của Quy tắc này là tất cả các tổ chức có thiết kế, tiếp thị, sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để sản xuất hàng điện tử đều tự nguyện áp dung. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể tự nguyện chấp nhận và sau đó được doanh nghiệp áp dụng cho chuỗi cung ứng và các nhà thầu phụ của mình, bao gồm cả các nhà cung cấp lao động hợp đồng.
Ông Lương Văn Phan – Chuyên gia tư vấn các hệ thống quản lý chất lượng nhấn mạnh, Tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội là một trong các yêu cầu chính để các doanh nghiệp nước ngoài đồng ý hay không đồng ý cho các doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung cấp của họ.
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp có vốn FDI, Bà Wendy Trang Tổng Giám đốc ITO Việt Nam cho biết: “Con người làm cho sản phẩm có giá trị. Quan tâm chăm sóc cho người lao động sẽ được các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài tôn trọng và đánh giá cao”.
Đến từ Dự án LinkSME, dự án kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi sản xuất toàn cầu, Ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần kết nối DN nước ngoài nhận xét, các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng đã có những đánh giá rất cao về những sự kiện do VEIA tổ chức. “Sự kiện này sẽ là cánh cửa rộng mở cho các doanh nghiệp trong ngành lắng nghe hướng dẫn thực hành, kinh nghiệm, kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu của các chuyên gia giàu kinh nghiệm”, ông Frank Weiand - Giám đốc của USAID về dự án LinkSME tại Vietnam-Đồng chủ tịch Hội đồng sản xuất Am-Cham cho biết.
Mục tiêu 5 năm của chính phủ Việt Nam sẽ tham gia tư vấn cải tiến, bồi dưỡng hơn 1000 doanh nghiệp, kết nối 130 doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp FDI. Đến năm 2020, Samsung Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống giao dịch trực tiếp với 50 doanh nghiệp nội địa (tăng 2,5 lần sau 5 năm).
Tính đến tháng 12/2017, đã có 29 công ty nội địa tại Việt Nam là nhà cung cấp trực tiếp của Samsung (nhà cung cấp lớp 1). Để được trở thành nhà cung cấp của Samsung, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định đánh giá của Samsung, trong đó, tiêu chuẩn thực hành EICC về lao động là yếu tố quan trọng.
“EICC (The Electronic Industry Cizitenship Coalition) là một liên minh những công ty điện tử hàng đầu thế giới với hơn 200 thành viên nhằm phát triển nâng cao việc tuân thủ trách nhiệm xã hội, đạo đức và môi trường trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Các yêu cầu chính EICC bao gồm: nguồn nhân lực, an toàn & sức khỏe nghề nghiệp, môi trường, hệ thống quản lý, đạo đức”. Như vậy, thực hành tốt tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội theo EICC thực sự là tấm visa, là cơ hội cho các doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. |