Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Liên minh trách nhiệm xã hội trong lao động ngành Điện tử Việt Nam. Tham gia hội thảo có các doanh nghiệp đến từ Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nội. Trước đó ngày 20/11, VEIA cũng đã tổ chức một sự kiện tương tự cho các doanh nghiệp khu vực Bắc Ninh.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Điện tử Việt Nam và xu hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp nối các hoạt động của Liên minh các doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy các hoạt động lao động có trách nhiệm với xã hội, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, kết hợp với Văn phòng ILO tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “thực hành tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội theo EICC – Tấm Visa cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu”.
Trên thực tế, Bộ Quy tắc ứng xử theo EICC (Electronic Industry Citizenship Coalition) đưa ra các tiêu chuẩn để đảm bảo điều kiện làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử được an toàn, người lao động được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và được thực hiện tốt. EICC được coi là một phần của ngành điện tử vì những mục đích của Quy tắc này là tất cả các tổ chức có thể thiết kế, tiếp thị, sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ được sử dụng để sản xuất hàng điện tử. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có thể tự nguyện chấp nhận và sau đó được doanh nghiệp áp dụng cho chuỗi cung ứng và các nhà thầu phụ của mình, bao gồm cả các nhà cung cấp lao động hợp đồng.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Hiệp hội VEIA, bà Đỗ Thúy Hương nhận định khái quát về tình hình ngành điện tử Việt Nam trong những năm gần đây: “Trong suốt 3 năm gần đây, xuất khẩu điện thoại và các linh kiện điện tử luôn giữ vị trí đứng đầu. Nhưng sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam vẫn trong giai đoạn đầu phát triển và dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI”, Bà Hương nói. “ Các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực hơn để nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà trước hết là tiếp cập và đổi mới để có thể trở thành nhà cung cấp cho khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam”.
Ông Lương Văn Phan – Chuyên gia ngành Tiêu chuẩn Chất lượng nêu rõ tiêu chuẩn EICC được áp dụng cho các doanh nghiệp điện tử khi tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu. “EICC (The Electronic Industry Cizitenship Coalition) là một liên minh những công ty điện tử hàng đầy thế giới với hơn 200 thành viên nhằm phát triển nâng cao việc tuân thủ trách nhiệm xã hội, đạo đức và môi trường trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu. Các yêu cầu chính EICC bao gồm : nguồn nhân lực, an toàn & sức khỏe nghề nghiệp, môi trường, hệ thống quản lý, đạo đức”.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Chánh Văn Phòng – Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ LĐTB&XH tham gia hội thảo với bài tham luận về đối thoại tại nơi làm việc và thực hiện quy chế dân chủ cũng như công tác hòa giải. Theo bà Linh đây là vấn đề quan trọng vì ngày càng xảy ra nhiều mâu thuẫn và xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động.
“Nếu những mâu thuẫn được đối thoại một cách dân chủ và công bằng thì sẽ không dẫn đến các xung đột”, bà Linh nói.
Mục tiêu 5 năm của chính phủ Việt Nam sẽ tham gia tư vấn cải tiến, bồi dưỡng hơn 1000 doanh nghiệp, kết nối 130 doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với doanh nghiệp FDI. Đến năm 2020, Samsung Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống giao dịch trực tiếp với 50 doanh nghiệp (tăng 2,5 lần).
Tính đến tháng 12/2017, đã có 29 công ty (cấp 1) 36 công ty (cấp 2) là nhà cung cấp của Samsung. Để được trở thành nhà cung cấp của Samsung, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định đánh giá của Samsung, trong đó, tiêu chuẩn thực hành EICC về lao động là yếu tố quan trọng.
Bà Mai Hồng Ngọc – Trưởng phòng Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, VCCI, cho biết: “Đây là một trong những sáng kiến mà VCCI đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một diễn đàn để các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử tại Việt Nam có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác cùng có lợi để cùng nhau xây dựng thực hành lao động có trách nhiệm hơn, tạo ra nhiều việc làm và việc làm bền vững hơn cho ngành điện tử Việt Nam”.
Hội thảo được cộng đồng doanh nghiệp tham gia đánh giá cao và mong muốn có nhiều cơ hội đối thoại tương tự để doanh nghiệp tăng cường hiểu biết pháp luật, hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ cùng phát triển trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Các hoạt động liên quan đến việc xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp thực hành tiêu chuẩn EICC là một trong những hoạt động mục tiêu của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam trong chương trình công tác năm 2018 và là hoạt động đóng góp thiết thực của Hiệp hội trong Liên minh các doanh nghiệp điện tử thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong lao động, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam. Chuỗi các hoạt động này sẽ lần lượt được tổ chức tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi có tập trung đông các doanh nghiệp ngành điện tử.