Liên minh Chuyển đổi số là sáng kiến của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhằm tập hợp mọi nguồn lực Công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam vì mục tiêu chung phát triển đất nước hùng cường, hiện đại. Sự tập hợp của các doanh nghiệp lớn, các chuyên gia và các viện nghiên cứu, đồng hành cùng với Chính phủ và các Bộ ngành sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Lễ ra mắt Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam diễn ra sáng ngày 8/8/2019, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” tại Hà Nội. Theo đó, Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam là sự liên kết của các doanh nghiệp CNTT, các chuyên gia, các viện nghiên cứu với mục tiêu cùng hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp để đẩy nhanh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy”.
Ông Lê Đăng Dũng, Tổng Giám đốc Viettel - Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số, khẳng định: “Sự ra mắt của liên minh là kết quả của quá trình làm việc tích cực, với mục tiêu đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành một quốc gia hùng cường. Chuyển đổi số giúp Việt Nam tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Tại Việt Nam, đề án Chuyển đổi số Quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng cũng nhận định: “Chuyển đổi số đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu, thay lao động chân tay bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu, thay đổi toàn diện mối quan hệ của chính quyền với người dân và giữa các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc xóa bỏ các cơ chế trung gian trong chuỗi giá trị bằng công nghệ kết nối trực tiếp, thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như hành vi ứng xử của toàn xã hội.
Với Việt Nam, áp lực từ công cuộc chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn” đối với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp. Những hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại không chỉ là việc nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, gia tăng các trải nghiệm của con người mà còn là yếu tố giúp doanh nghiệp xây dựng được năng lực cạnh tranh, bắt kịp thời đại và dẫn đầu xu hướng.