Ông Tào Đức Thắng, phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cho biết: sau khi thử nghiệm thành công kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM và triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao nỗ lực triển khai, làm chủ công nghệ của Viettel chỉ trong thời gian 03 tháng kể từ ngày nhận giấy phép.
“Chúng ta muốn đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0. Chúng ta muốn phát triển ngành ICT nước nhà, chúng ta muốn người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, giúp Việt Nam cất cánh. Đó là lý do tại sao cần sớm triển khai 5G. Bên cạnh tạo ra sự kết nối không giới hạn cho tất cả, kích hoạt đổi mới sáng tạo trong hầu hết các ngành, 5G cũng sẽ tạo ra ngành công nghiệp mới, công nghiệp sản xuất hàng ngàn tỷ thiết bị sensors, 5G cũng sẽ tạo ra nhu cầu về ứng dụng công nghệ trong toàn dân, sẽ tạo ra thị trường vô hạn cho các công ty công nghệ Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, nhấn mạnh. "Bên cạnh việc có một mạng lưới 4G lớn nhất, phủ sóng toàn quốc, một hạ tầng mạng lõi và truyền dẫn được ảo hoá, Viettel sớm chú trọng xây dựng mạng 5G để đáp ứng các ứng dụng thời gian thực, độ phân giải siêu cao và các kết nối IoT độ trễ siêu nhỏ. Viettel đã phát triển các sản phẩm big data, các sản phẩm AI cho y tế, công nghiệp, nông, lâm nghiệp,... các sản phẩm này đang chờ có kết nối 5G để phát huy hiệu quả cao nhất".
Nếu như mạng 4G đã được triển khai đồng thời trên phạm vi toàn quốc, tăng trưởng liên tục, rất nhanh, năm sau lưu lượng gấp đôi năm trước, thì mạng 5G với đặc thù là cuộc cách mạng không chỉ cho viễn thông mà còn các dịch vụ khác ngoài viễn thông nên Viettel dự định sẽ triển khai theo định hướng chỗ nào có lưu lượng sử dụng cao thì sẽ tập trung phát triển 5G ở đó, thay thế cho cáp quang.
Vì thế, lộ trình triển khai 5G trong những năm đầu thương mại hóa dịch vụ này sẽ là các thành phố lớn là những nơi có mật độ sử dụng cao. Cụ thể, 5G sẽ bắt đầu được cung cấp dịch vụ thương mại hóa tại Hà Nội và TP.HCM từ 2020, và tại cả các tỉnh thành còn lại phục vụ eMBB từ 2021. Đến 2022, Viettel sẽ triển khai 5G tại tỉnh lỵ tất cả các tỉnh, thử nghiệm các dịch vụ độ trễ siêu thấp uRLLC, các dịch vụ mMTC.
Cuộc gọi đầu tiên nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện trên công nghệ, thiết bị 5G của tập đoàn Erisson đã đạt tốc độ kết nối mạng di động 5G với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.
Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM. Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT&TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện tại. Từ đó, Bộ có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020 theo đúng kế hoạch tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Đến năm 2021 sẽ triển khai trên cả nước.