Một báo cáo mới đây trên Financial Times cho biết, các tập đoàn ô tô và nhà sản xuất chip hàng đầu cảnh báo rằng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ bị thiếu hụt chất bán dẫn vào năm tới khi việc chuyển sang sử dụng xe điện tăng mạnh.
Ông Jochen Hanebeck - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip ô tô Infineon, đã đưa ra cảnh báo tương tự về nguồn cung tại một sự kiện ở Munich gần đây: “Tôi nghĩ rằng sự thiếu hụt chip sẽ còn kéo dài".
Còn Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Onsemi có trụ sở tại Hoa Kỳ, ông Hassane El-Khoury cho biết họ đã “bán hết” chip silicon carbide (SiC), chất bán dẫn năng lượng tiên tiến chủ yếu được sử dụng trong ô tô điện, ít nhất là cho đến cuối năm 2023 do nhu cầu tăng cao.
Bên cạnh đó, Onsemi đang mở rộng sản xuất tại các nhà máy ở Rožnov ở Cộng hòa Séc, Busan ở Hàn Quốc và New Hampshire ở Mỹ, công ty ước tính sẽ tăng công suất thêm 30% vào năm tới.
Không chỉ các nhà sản xuất chip mà các thương hiệu ô tô cũng nhận thức được vấn đề. Carlos Tavares - Giám đốc điều hành của Stellantis, nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới về doanh số, cho biết những hạn chế về chip sẽ tiếp tục ám ảnh ngành công nghiệp ô tô vào năm tới.
Nhiều hãng xe đã phải giảm sản xuất hoặc thậm chí ngừng hoạt động một số dây chuyền. Trong một số trường hợp, các công ty ô tô đã xuất xưởng những chiếc xe không có một số tính năng nhất định do không thể tìm được nguồn chất bán dẫn cần thiết.
Ví dụ, General Motors đã phải sửa đổi kế hoạch sản xuất 400.000 xe điện vào cuối năm 2023, giờ đây họ hy vọng sẽ đạt được mục tiêu đó muộn khoảng sáu tháng.
Hay, Toyota mới đây công bố người mua xe mới của họ tại Nhật sẽ không còn nhận được hai chìa khóa điện tử thông minh như trước. Chìa khóa chính của người dùng còn được cung cấp dạng này, khóa còn lại là khóa cơ học truyền thống. Thương hiệu Nhật khẳng định sẽ lập tức bù cho khách hàng khóa điện tử mới khi họ có linh kiện lắp ráp, dù vậy thời điểm bao giờ thì không thể biết được.
Các nhà phân tích tại AutoForecast Solutions dự báo rằng sự thiếu hụt chip sẽ dẫn đến việc sản xuất ít hơn khoảng 3 triệu xe vào năm 2023. Tuy nhiên, đây có thể coi là tín hiệu tích cực khi mức thiếu hụt này của năm 2022 là 4,5 triệu xe.
Bên cạnh các phương án như tăng công suất và xây dựng các nhà máy và xưởng đúc mới của các doanh nghiệp là sự nỗ lực từ các chính phủ trên toàn thế giới.
Vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành đạo luật mới cho phép khoản tài trợ lên tới 200 tỷ USD trong 10 năm tới cho ngành, cùng với một loạt các khoản giảm thuế bổ sung. Nhưng sự cứu trợ đó sẽ mất một thời gian để xuất hiện trong chuỗi cung ứng, với thời gian giao hàng từ 28 đến 52 tuần trở lên.