Theo một số nguồn tin, công ty đang chuyển dịch hàng loạt lãnh đạo và một số nhân viên có năng lực từ mảng thiết bị cầm tay sang bộ phận mạng lưới viễn thông để tận dụng cơ hội thị trường cũng như thu hẹp khoảng cách với người dẫn đầu thị trường là Huawei hay Ericsson và Nokia.
Hiện tại Huawei đang phải đối mặt với các cáo buộc về an ninh mạng từ phía Mỹ và một số quốc gia châu Âu khi cho rằng thiết bị của họ có thể bị sử dụng để do thám. Úc và New Zealand cũng ủng hộ Mỹ khi cấm sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G, và nhiều quốc gia châu Âu cũng đang xem xét lệnh cấm với hãng này.
Điều này mang lại cho Samsung một cơ hội. Thông thường, các hãng viễn thông sẽ sử dụng chính nhà cung cấp thiết bị 4G để nâng cấp lên 5G nhằm tối thiểu hóa chi phí khi tận dụng được các thiết bị hiện tại. Tuy nhiên, các áp lực chính trị đã buộc nhiều hãng phải thay đổi.
Trong khi doanh số mảng chip và smartphone của công ty bắt đầu sụt giảm, Samsung dự định đầu tư 22 tỷ USD vào công nghệ di động 5G và các lĩnh vực khác trong 5 năm tới bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ dược phẩm sinh học và các bộ phận điện tử tự động hóa.
Hiện Samsung đang đàm phán với nhà mạng Reliance Jio (Ấn Độ) để nâng cấp mạng lưới của họ lên 5G. Đây được xem như thành công lớn nhất đối với bộ phận mạng viễn thông của họ cho tới nay – trở thành nhà cung cấp chính cho một nhà mạng mới nổi.
Ngoài ra Samsung còn có các khách hàng khác tại Mỹ, như hãng AT&T, Verizon và Sprint, và đều có hợp đồng thiết bị 5G với cả ba nhà mạng này. Công ty cũng bán thiết bị cho các nhà mạng ở Hàn Quốc và hiện đang hợp tác với các nhà mạng di động Nhật Bản để thử nghiệm thiết bị 5G.
Một khó khăn lớn đối với Samsung là việc thu hút tài năng giữa lúc thiếu hụt kỹ sư phần mềm tại Hàn Quốc. Hiện nay bộ phận mạng viễn thông của Samsung đang có gần 5.000 nhân viên. Nhà phân tích Kim Young-woo tại SK Securities, ước tính Samsung cần tuyển từ 1.000 đến 1.500 nhân viên, kỹ sư cho bộ phận thiết bị 5G trong năm nay.