Hôm qua 22/10, lãnh đạo Amazon và nhà sản xuất máy chủ Super Micro đồng loạt kêu gọi Bloomberg gỡ bài báo tố Trung Quốc cài chip gián điệp lên máy chủ của gần 30 công ty Mỹ để xâm phạm mạng lưới máy tính đăng đầu tháng 10.
Tuần trước, CEO Apple Tim Cook, trong động thái chưa từng có tiền lệ, đã yêu cầu Bloomberg rút lại bài báo. Ông đồng ý trả lời phỏng vấn của BuzzFeed News để giải quyết các cáo buộc trong bài viết của Bloomberg. Ông khẳng định: “Điều này không xảy ra. Không có sự thật nào cả”. Công ty của Tim Cook liên tục bác bỏ các luận điểm của Bloomberg.
Đại diện Andy Jassy của Amazon Web Services tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng CEO Tim Cook của Apple đã đúng khi khuyên Bloomberg gỡ bỏ những thông tin về việc Trung Quốc cấy chip gián điệp vào máy chủ các hãng công nghệ. Những thông tin Bloomberg đưa ra là thiếu chính xác gây ảnh hưởng đến không chỉ Apple và cả Amazon. Ông cũng cho biết các phóng viên của Bloomberg trước đó hoàn toàn không để ý đến câu trả lời từ Amazon, mà chỉ tập trung vào việc xác minh giả thuyết của họ là đúng. Những phóng viên này đã bị lừa hoặc cố tình tạo dư luận. Với tư cách là hãng tin lớn, ông khuyên Bloomberg nên gỡ bỏ những thông tin này.
Super Micro cho biết sẽ tiếp tục điều tra và đánh giá lại các bảng mạch chủ. Chỉ vài giờ sau, CEO Super Micro Charles Liang bổ sung: “Câu chuyện gần đây của Bloomberg tạo ra sự bối rối và lo ngại cho các khách hàng của chúng tôi, khiến cho họ và chúng tôi bị tổn hại. Bloomberg nên hành động có trách nhiệm và rút lại những cáo buộc không có cơ sở về việc linh kiện độc hại đã được cài vào bảng mạch của chúng tôi trong quá trình sản xuất”.
Bài báo của Bloomberg dẫn 17 nguồn tin giấu tên nhưng cho đến nay, chưa có thông báo nào về phần cứng bị xâm phạm xuất hiện. Ngay khi được đăng tải, nó đã gây ra làn sóng tranh cãi trong giới bảo mật và nhiều chuyên gia cảm thấy không thuyết phục. Bộ An ninh nội địa Mỹ, Cơ quan An ninh quốc gia, Cơ quan An ninh mạng Anh cũng nói rằng chưa nhìn thấy bằng chứng liên quan đến cáo buộc của Bloomberg.