Ngày 14/9 (giờ Việt Nam), Hãng công nghệ Apple đã phát thông cáo phản hồi chính thức việc Cơ quan Điều tiết tần số vô tuyến Pháp (ANFR) yêu cầu ngừng bán dòng iPhone 12 do vi phạm quy định về bức xạ.
Thông cáo của Apple nhấn mạnh, mẫu iPhone 12 được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là tuân thủ tất cả các quy định và tiêu chuẩn SAR (tỷ suất hấp thụ năng lượng điện từ ở cơ thể người dùng) hiện hành trên thế giới. Hãng đã cung cấp cho cơ quan ANFR nhiều kết quả từ phòng thí nghiệm của Apple và bên thứ ba độc lập để chứng minh việc đã tuân thủ quy định khi sản xuất điện thoại.
Do đó, hãng này đang khiếu nại lệnh cấm của ANFR.
Mẫu điện thoại thông minh iPhone 12 được Apple phát hành lần đầu tiên vào năm 2020 và hiện đã ngừng sản xuất.
Theo Cơ quan quản lý tần số quốc gia Pháp (ANFR), các kết quả nghiên cứu của nước này đối với 141 chiếc điện thoại iPhone 12 cho thấy dòng điện thoại này có tỉ suất hấp thụ năng lượng điện từ ở cơ thể người dùng (SAR) cao hơn tới 40% so với tiêu chuẩn an toàn của Liên minh châu Âu (4 watt/kg).
Thứ trưởng phụ trách kinh tế kỹ thuật số của Pháp Jean-Noel Barrot chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn ngày 12/9 rằng, Apple phải ngừng bán mẫu iPhone 12 của mình tại Pháp do mức độ bức xạ vượt quá ngưỡng cho phép.
Với kết luận này, ANFR ngày 13/9 đã yêu cầu Apple phải thực hiện các biện pháp khắc phục, nếu không sẽ phải thu hồi điện thoại iPhone 12 khỏi thị trường Pháp.
Sau khi ANFR đưa ra thông báo trên, Cơ quan giám sát kỹ thuật số của Hà Lan cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ nhiễm bức xạ đối với người dùng iPhone 12.
Thanh tra Angeline van Dijk của cơ quan này nêu rõ: "Cũng như Pháp, Hà Lan coi trọng việc sử dụng điện thoại di động một cách an toàn. Điện thoại di động phải tuân thủ tiêu chuẩn của châu Âu".
Hiện tại, các cuộc thử nghiệm bức xạ đã dẫn đến việc 42 điểm bán hàng bị tạm dừng tại Pháp. Các chuyên gia cho rằng, đây là lần đầu tiên mà Apple bị ảnh hưởng bởi một động thái như vậy.
Cơ quan quản lý mạng lưới viễn thông BNetzA của Đức cũng đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Pháp trong vấn đề này. Trong khi đó, tổ chức người tiêu dùng OCU tại Tây Ban Nha đã kêu gọi chính phủ ngăn chặn việc bán sản phẩm iPhone 12 để đề phòng rủi ro.
Tuy nhiên, Giáo sư Rodney Croft, Chủ tịch Uỷ ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hoá (ICNIRP) cho rằng, không có rủi ro về an toàn vì các giới hạn quy định đối với SAR được đặt ra ở dưới mức 10 lần so với mức mà các nhà khoa học cho rằng nó có thể gây hại.
Ông Croft lý giải, phát hiện của Pháp có thể khác với kết quả được ghi nhận bởi cơ quan ANFR đánh giá bức xạ bằng phương pháp giả định tiếp xúc trực tiếp với da, chứ không có lớp trung gian giữa thiết bị và người dùng.