Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo thông báo của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5, EVN sẽ điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá điện mới tăng tương đương 3% so với giá cũ. Theo đó, giá bình quân mỗi kWh điện sẽ là 1.920,3732 đồng.
EVN lý giải lý do tăng giá điện là do giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao, giá thành điện năm 2023 cao hơn năm 2022.
Quyết định tăng giá điện đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý về chủ trương.
Đây cũng là lần tăng giá điện đầu tiên sau 4 năm giữ giá, trong đó có 3 năm liền ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
EVN cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện được tập đoàn thực hiện căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương.
Trước đó vào ngày 31/3, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Trong năm 2021, giá thành sản xuất điện là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá bán điện thương phẩm bình quân 1.855,57 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020.
Nếu so giá thành sản xuất điện năm 2022 với giá bán lẻ bình quân hiện hành áp dụng trước ngày 4/5, là 1.864,44 đồng, EVN đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh.
Trước đó, trong tháng 1, EVN đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương, cho biết tập đoàn lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 tới 28.876 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có khoản lỗ về chênh lệch tỷ giá gần 15.000 tỷ đồng chưa tính vào trong khoản lỗ nói trên.
EVN cho rằng năm 2023 sẽ tiếp tục lỗ 64.941 tỷ đồng nếu giá điện giữ như hiện hành. Như vậy, tổng mức lỗ của cả 2 năm sẽ lên 93.817 tỷ đồng. EVN bày tỏ lo ngại đến hết tháng 5/2023, công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản, và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán.
Vào đầu tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.