Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc, tại Thủ đô Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các Tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp Phó Chủ tịch, kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn LG, ông Kwon Bong-seok, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao LG đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam và cho biết đã dự lễ khởi công nhà máy 2 tỷ USD tại Hải Phòng trước đây.
Chủ tịch nước hoan nghênh LG đã giải quyết hàng vạn lao động tại Việt Nam, mong muốn LG tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có thế mạnh như thiết bị ô tô và thiết bị cho điện thoại di động, thúc đẩy liên kết đào tạo công nghệ thông tin, trung tâm phần mềm. Chủ tịch nước mong muốn LG đặt trung tâm sản xuất chính, lớn nhất của LG tại Việt Nam, cũng là để xứng tầm với quan hệ chính trị hai nước. Việt Nam cam kết tạo môi trường, hạ tầng đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch LG cho biết đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu, từ năm 1995 và đến nay đầu tư 5,3 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, sản xuất máy ảnh, điện tử, điện gia dụng, thiết bị ô tô. LG có 27.000 nhân viên, công nhân Việt Nam làm việc trực tiếp trong các nhà máy LG tại Việt Nam và các công ty thành viên có tới 70.000 lao động Việt Nam.
Tương lai, LG sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Mong muốn đưa Việt Nam là trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.
Nhớ lại thời điểm năm 1995, LG chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam với tên gọi là LG Sel Electronics; đồng thời mở nhà máy tại Hưng Yên với vốn đầu tư lên đến 13 triệu USD đối với dây chuyền sản xuất lên đến 550.000 sản phẩm/năm. Thời điểm đó, LG Việt Nam chỉ sản xuất một dòng sản phẩm duy nhất, đó chính là TV CTV. Thế nhưng chỉ sau 3 năm, tập đoàn này đã bắt đầu mở rộng sang sản xuất màn hình máy tính, tiếp đó là tủ lạnh, điều hòa và máy giặt.
Năm 2002, LG chính thức trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Một năm sau đó, “ông lớn” này lắp đặt thêm 2 dây chuyền với công suất 450.000 sản phẩm một năm; đồng thời phát triển thêm các sản phẩm khác, bao gồm đầu DVD và TV LCD. Tiếp đó, đến năm 2004, LG tiếp tục cho tung ra thị trường các dòng điện thoại di động.
Đến năm 2013, LG Electronics đã tiến hành đầu tư một tổ hợp sản xuất điện tử tại khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng, biến thành phố này trở thành “thủ phủ” của LG tại Việt Nam. Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng, tại Hải Phòng, Tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh. Tổng vốn đầu của các dự án thuộc Tổ hợp LG đạt 7,24 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư FDI vào các KCN, KKT, chiếm 37,13% tổng vốn đầu tư FDI toàn thành phố.
Đáng chú ý, có đến 3 dự án đầu tư của LG nằm trong số 20 dự án Hàn Quốc lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm: LG Display, LG Electronics, LG Innotek.