Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội Chống lừa đảo (Việt Nam) mới đây đã phối hợp công bố một Báo cáo về tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam năm 2023.
Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) là một tổ chức phi lợi nhuận, tập hợp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan quản lý người tiêu dùng, tổ chức phi chính phủ,... để chia sẻ hiểu biết và kiến thức xung quanh các trò lừa đảo.
Báo cáo của tổ chức này được thực hiện dựa trên một cuộc khảo sát rộng rãi với sự tham gia của 1.063 người Việt Nam nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về mức độ ảnh hưởng của tình trạng lừa đảo trực tuyến.
Ông Philip Hùng Cao, chuyên gia về an toàn thông tin cho biết tại Việt Nam năm 2023 có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.
Theo báo cáo trên, ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỷ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỷ suất lợi nhuận càng tăng.
Ông Philip đưa ra giải pháp đơn giản cho người sử dụng mạng trước những rủi ro lừa đảo như: người dùng chậm lại; nín thở 7 giây trước khi click chuột; hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như WiFi, bluetooth…
Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu, trong 12 tháng qua, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo.
Thiệt hại tài chính do các vụ lừa đảo gây ra là rất lớn khi có 29% người tham gia cho biết họ đã phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình, số tiền thiệt hại của mỗi nạn nhân là khoảng 17,7 triệu đồng (tương đương 734 USD).
Khảo sát hơn 1.000 người dùng cho thấy tình trạng lừa đảo trên không gian mạng 2023 tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động và rất phức tạp.
Mức độ nghiêm trọng của tình hình càng được nhấn mạnh bởi số liệu thống kê đáng lo ngại: 49% đã trải qua sự gia tăng các vụ lừa đảo trong 12 tháng qua, nhấn mạnh tính chất lan rộng và ngày càng phát triển của vấn đề này.
Không có gì ngạc nhiên khi Facebook và Gmail nổi lên như những kênh lừa đảo chính, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua các nền tảng được sử dụng rộng rãi này.
Theo sát là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%) chiếm vị trí thứ 3 đến thứ 5 là các kênh được khai thác nhiều nhất.
"Các đối tượng lừa đảo thường sẽ tiếp cận nạn nhân và dẫn dụ họ tải Telegram và hướng dẫn trên ứng dụng này. Đến bước này, khả năng bị lừa khoảng 95%"-ông Nguyễn Minh Hiếu – nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo thông tin.
Trong tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 24 hình thức lừa đảo qua mạng. Trong đó, hình thức phổ biến nhất dưới dạng cộng tác viên, đầu tư tài chính và tình cảm.
Ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) lưu ý tội phạm mạng tại Việt Nam đang ngày càng phình to. Hiện nay, lừa đảo được xem là một ngành công nghiệp bởi vì không còn đơn giản xuất phát từ một cá nhân hay nhóm nhỏ.
Ngành này hình thành và bùng phát 5 năm qua song song trong thời buổi phát triển tiến bộ của khoa học công nghệ. Những đối tượng lừa đảo có các giáo trình, phương pháp tâm lý học, công cụ hiện đại để tiếp cận các nạn nhân.
Phó Chủ tịch Vnsia đánh giá tỉ lệ người dùng Việt Nam sử dụng công nghệ luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về internet chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Đó là điều kiện để các đối tượng xấu khai thác.
"Đối tượng lừa đảo sử dụng các phương thức có sẵn, có các nhánh tiếp cận theo hình phễu, hiểu rõ các nạn nhân tiềm năng và tỉ lệ lừa thành công rất cao. Những người thường được hướng đến là người có đồng tiền nhàn rỗi hoặc muốn làm việc nhẹ lương cao"- ông Khang chia sẻ.
Liên quan đến việc doanh nghiệp bị lộ thông tin khách hàng, ông Hiếu cho rằng Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.
“Dự án Chongluadao là dự án hoàn toàn miễn phí, với phương châm cộng đồng cùng nhau bảo vệ cộng đồng. Dự án ra đời nhằm nâng cao nhận thức cho cộng động mạng Việt Nam, bảo vệ mọi người trên không gian mạng bằng công cụ, kỹ thuật và kết hợp với nhiều tổ chức tập đoàn bảo mật lớn trên thế giới để bảo vệ người Việt tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản”, ông Hiếu chia sẻ.