Cũng phải công nhận rằng Nhật Bản đã vào trận với một tinh thần của các chiến binh. Họ bắt người rất chặt, tổ chức tấn công đa dạng, tạo nên một thế trận thi đấu rất sòng phẳng, ngang ngửa với Ba Lan trong suốt thời gian hiệp 1. Ở thời gian này, Ba Lan có phần vẫn hơi cứng nên sự phối hợp còn chưa chính xác và không đem lại hiệu quả.
Đến hiệp 2, Ba Lan đã hoàn toàn lấy lại được đẳng cấp của mình và trở nên thực sự nguy hiểm. Họ chủ động kiểm soát và đẩy nhanh tốc độ trận đấu, dồn Nhật Bản vào thế chỉ còn biết chống đỡ. Các cầu thủ Ba Lan đã điều khiển bóng với đôi chân rất thanh thoát hơn và điều này đã dẫn tới bàn thắng vào lưới của Nhật Bản.
Cú đá vô-lê nhanh của hậu vệ Jan Bednarek khi lên tham gia tấn công vào phút thứ 59 đã ghi bàn thắng mở tỷ số cho Ba Lan, loại bỏ hoàn toàn khả năng cản phá của thủ môn Nhật Bản. Mặc dù chỉ vài phút trước, Kawashaki đã bay người, phản xạ tuyệt vợt để đẩy bóng xuất thần trước pha dứt điểm hiểm hóc vào góc xa khung thành. Pha cứu thua kinh điển đó chỉ có thể thấy ở những thủ môn huyền thoại như Lev Yashin đội tuyển Liên Xô cũ được thế giới ngưỡng mộ với biệt danh ‘con nhện đen’ tại cái kỳ Worldcup 1958 – 1962 – 1966.
Nhật Bản sẽ bị loại nếu giữ nguyên bàn thua này và kết quả của hai đội Colombia và Senegal là tỷ số hòa.
Nhưng bàn thắng ở phút 74 của Yerry Mina cầu thủ đội Colombia vào lưới của Senegal ở trận đấu cùng giờ đã giúp Nhật Bản vẫn lọt vào vòng trong dù thua Ba Lan. Senegal đành ngậm ngùi về nước bởi luật fair – play.
Theo luật này, Nhật Bản và Senegal cùng được 4 điểm sau 3 trận đấu nhưng Nhật Bản chỉ bị 4 thẻ vàng (điểm -4) còn Senegal đã nhận 6 thẻ vàng (điểm -6). Hơn về chỉ số này, Nhật đứng thứ 2 và tiếp tục đi tiếp vào vòng knock – out.
Đó là lý do vì sao trong 3 phút bù giờ, Nhật Bản tìm mọi cách chuyền bóng qua lại bên phần sân nhà theo kiểu ‘đá ma’ để cầu thủ Ba Lan không giành được bóng và chờ tiếng còi mãn cuộc, bất chấp những tiếng la ó từ các khán giả trên sân Volgograd Arena.
Thậm chí, ngay cả khi Ba Lan muốn thay Grosicki bị chấn thương trong những phút cuối cũng không được vì Nhật Bản cứ giữ bóng trong chân của mình. Bên ngoài sân, Blaszczykowski ngồi chờ để thay thế nhưng không được vào sân.
Nói về việc đội tuyển Nhật Bản câu giờ lộ liễu, HLV Akira Nishino đội Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi không thắng được Ba Lan nhưng vẫn có thể đi tiếp tùy theo kết quả của trận còn lại. Ở thời điểm đó, chúng tôi không có cách nào khả dĩ hơn. Tôi rất tiếc phải nói điều đó nhưng nó là sự thật. Chúng tôi muốn lọt vào vòng 1/8 và đó là cách duy nhất để giải cứu chúng tôi”.
Luật Fair – play mà Fifa áp dụng ở giải này có ý nghĩa rất tích cực khi muốn các đội thi đấu bằng một thứ bóng đá đẹp, cống hiến với tinh thần cao thượng. Nhưng luật này cũng cho thấy những hạn chế khi chỉ có thể áp dụng được những gì có thể định lượng được như số thẻ phạt còn việc ‘đá ma’ câu giờ là không thể áp dụng.
Nhưng những khán giả thì có thể hiểu và cảm nhận được. Đặc biệt là các fan châu Á. Sau khi rất đỗi tự hào vì Nhật Bản là đại diện duy nhất lọt vào vòng trong, có lẽ ai cũng cảm thấy rằng đây là niềm tự hào chưa hoàn hảo.