Ngày 27/2, gã khổng lồ game Nhật Bản thông báo kế hoạch sa thải 900 nhân sự đang làm việc tại bộ phận PlayStation, đồng thời đóng cửa một studio của hãng ở London (Anh).
Quyết định trên được Sony đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp game toàn cầu đang phải vật lộn để phục hồi khỏi thời kỳ suy thoái sau đại dịch.
Việc sa thải sẽ ảnh hưởng đến 8% nhân sự của Sony PlayStation ở các khu vực từ châu Mỹ đến châu Á. Ít ngày trước đó, hãng này cũng đã phải hạ kỳ vọng doanh số hằng năm đối với sản phẩm máy chơi game PlayStation 5 của mình.
Ông Jim Ryan, người đứng đầu mảng game của Sony cho biết, kế hoạch cắt giảm là điều không thể tránh khỏi do những thay đổi trong cách ngành công nghiệp game vận hành, phân phối và ra mắt các sản phẩm. Bản thân Jim Ryan cũng sẽ chính thức rời chức vụ lãnh đạo Sony PlayStation vào tháng sau.
"Chúng tôi đã đưa ra quyết định vô cùng khó khăn là thông báo kế hoạch cắt giảm khoảng 8% tổng số nhân viên toàn cầu, tương đương khoảng 900 người, tuân theo luật địa phương và quy trình tham vấn", giám đốc Jim Ryan của PlayStation cho biết. "Nhân viên trên toàn thế giới, gồm cả các studio của chúng tôi, đều bị ảnh hưởng".
Người đứng đầu PlayStation Studios, Hermen Hulst, cũng xác nhận rằng các studio ở Mỹ như Insomniac Games và Naughty Dog cũng bị ảnh hưởng, cùng với studio Guerrilla của Sony có trụ sở tại Hà Lan. Nhìn chung, nhân viên trên khắp khu vực Châu Mỹ, Nhật Bản, EMEA và APAC đều bị ảnh hưởng.
Đợt sa thải diễn ra chỉ vài ngày sau khi Sony không đạt được mục tiêu doanh số của PlayStation 5, khiến giá trị thị trường của Sony giảm 10 tỉ USD. Ngoài việc máy chơi game này bán không chạy như mong đợi của Sony, các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng lợi nhuận mảng game gần như thấp nhất trong một thập kỷ.
Đầu tháng này, chủ tịch Hiroki Totoki của Sony cũng thảo luận về cơ hội phát triển các trò chơi PlayStation trên PC. Khi công ty dường như đang tập trung nhiều nguồn lực hơn vào nỗ lực phát triển mảng PC và trò chơi di động.
Ngành công nghiệp game gần đây đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải. Tháng trước, Microsoft đã sa thải 1.900 nhân viên của Activision Blizzard và Xbox, chiếm khoảng 8% tổng nhân sự của mảng Microsoft Gaming. Unity cũng sa thải 25% lực lượng lao động vào tháng trước, và Discord cũng cắt giảm 17% đội ngũ nhân viên.
14 tháng qua là khoảng thời gian “tàn khốc” của ngành trò chơi điện tử, với tổng số lượng người bị mất việc được ước tính là khoảng 6500 người. Con số này còn lớn hơn nếu chúng ta tính đến những đợt sa thải vào cuối năm 2022.
Phần lớn các trường hợp sa thải là do các công ty trò chơi điện tử đang điều chỉnh để thích nghi với thế giới hậu đại dịch. Khi mọi người phải cách ly tại nhà, ngành game có cơ hội để phát triển mạnh. Nhưng trong những năm kể từ đó, khi sinh hoạt bắt đầu bình thường trở lại, ngành công nghiệp này đã phải cắt giảm.