Mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố báo cáo Đào tạo thương mại điện tử năm 2022, đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình hình đào tạo nguồn nhân lực ngành TMĐT tại các cơ sở đào tạo, các trường đại học tại Việt Nam.
Bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội, lĩnh vực này vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển. Ước tính năm 2021, lĩnh vực thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và có quy mô hơn 16 tỷ USD.
Nhờ khả năng kiểm soát đại dịch và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ 2 của thương mại điện tử, tốc độ phát triển dự kiến còn cao hơn nhiều từ năm 2022-2025.
Thương mại điện tử “khát” nhân lực chất lượng cao
Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử đã kéo theo nhu cầu về nguồn ngân lực chất lượng cao phục vụ ngành cũng tăng lên. Đặc biệt, qua 2 năm đại dịch, số lượng người mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Cùng với đó, các doanh nghiệp tích cực triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử. Khi bước vào giai đoạn bình thường mới, phát triển ổn định, nhu cầu về nhân lực thương mại điện tử thời gian tới sẽ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Trao đổi tại buổi công bố báo cáo đào tạo thương mại điện tử năm 2022, đại diện Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 tăng nhanh và dự đoán nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nữa trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Chủ tịch VECOM,Hội đồng Tư vấn cấp cao về thương mại điện tử nhấn mạnh từ thực tế cho thấy, thời gian qua các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành thương mại điện tử đang rất “khát” nhân lực. Nhu cầu tuyển dụng nhân sự thương mại điện tử của các doanh nghiệp là rất lớn. Các doanh nghiệp, hội viên của Hiệp hội liên tục tuyển nhân sự và việc tuyển dụng rất khắt khe. “Nhu cầu nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở Việt Nam đang tăng rất nhanh và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh hơn nữa”, ông Hưng dự báo.
Bổ sung quan điểm này, TS Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử, Đại học Thương mại, cho rằng thương mại điện tử là lĩnh vực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Các sinh viên sau thời gian đi làm thường tự tạo việc làm, mở doanh nghiệp, tuyển dụng nhân sự. Điều này khiến nhu cầu nhân lực sẽ tiếp tục “khát”.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Lazada cũng khẳng định thực tế gia tăng nhu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử. Không chỉ các sàn thương mại điện tử có nhu cầu mà ngay cả các doanh nghiệp bán lẻ đang chuyển đổi số, chuyển dịch kinh doanh lên thương mại điện tử cũng cần nhân lực chuyên ngành để triển khai. Đây là lý do nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thương mại điện tử liên tục tăng nhanh.
Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử năm 2020 và 2022 nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh là một trong những yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Trong đó, kênh đào tạo chủ yếu nguồn nhân lực thương mại điện tử chuyên nghiệp, chất lượng cao xuất phát từ các trường đại học.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia được Thủ tướng phê duyệt theo đặt ra 2 mục tiêu liên quan tới nguồn nhân lực, bao gồm yêu cầu 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử và đảm bảo một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Qua quá trình khảo sát tại 132 cơ sở giáo dục đại học, VECOM cho biết số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học liên tục tăng nhanh và tới nay đã có gần 40 đơn vị. Khoảng 36 trường đại học đào tạo chuyên ngành này, phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Có 53 trường đưa học phần thương mại điện tử vào chương trình giảng dạy tại nhiều ngành liên quan như quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, tiếp thị số… Phần lớn đơn vị được khảo sát đã giảng dạy các ngành liên quan trực tiếp tới thương mại điện tử. Từ năm học 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mở 2 mã ngành mới là kinh tế số và công nghệ tài chính.
Kết quả chỉ ra chương trình đào tạo thương mại điện tử có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Nhiều trường đã giao các khoa kinh tế - thương mại giảng dạy ngành này.
Ông Nguyễn Thành Hưng - nguyên Chủ tịch VECOM, Hội đồng Tư vấn cấp cao về thương mại điện tử - cho biết có tới 67% trường sử dụng giáo trình của nước ngoài. Quá trình hợp tác trong hoạt động đào tạo giữa các trường, giữa trường và cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị nghiên cứu khoa học, tổ chức xã hội nghề nghiệp hay doanh nghiệp còn mờ nhạt.
Trên thực tế, các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bao gồm hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp hay câu lạc bộ sinh viên chưa thường xuyên, hấp dẫn và chỉ ở quy mô nhất định. Do đó cần những cuộc thi trên phạm vi toàn quốc để mang lại nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan, bao gồm sinh viên.
Vấn đề tuyển sinh cũng là một trong những thách thức lớn. Để có nguồn nhân lực tương xứng về số lượng và chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo vẫn cần tăng nhanh hơn và tránh bị giới hạn.
Hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến cũng như tuyên truyền về thương mại điện tử chưa thực sự mạnh mẽ. Cuối cùng, số lượng các trường đào tạo ngành đã tăng nhanh nhưng chưa tương xứng với chất lượng trong chương trình đào tạo.
Tại báo cáo, VECOM đề xuất khảo sát định kỳ tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử.
Về hoạt động giảng dạy, cần tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về thương mại điện tử, đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần thương mại điện tử. Các trường cũng nên thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên thương mại điện tử, nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu trong ngành.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý, bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương cùng VECOM cần chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành.