Mới đây, Facebook đã công bố dự án tiền mã hóa đầy tham vọng mang tên Libra, một phần trong nỗ lực mở rộng sang lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số của họ. Tuy nhiên, với những bê bối rò rỉ dữ liệu, xâm phạm thông tin người dùng trong quá khứ, dự án mới của Facebook ngay lập tức làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư của người dùng.
Facebook tuyên bố đã liên kết với 28 đối tác, bao gồm Mastercard, PayPal và Uber để thành lập Hiệp hội Libra, một thực thể đặt trụ sở tại Geneva với nhiệm vụ quản lý đồng tiền mã hóa mới. Không một ngân hàng nào là thành viên của Hiệp hội.
Điều này cho thấy công nghệ mới đang đe dọa thay đổi hệ thống ngân hàng toàn cầu và đang là mục tiêu bị giám sát của chính phủ các quốc gia, dẫn tới việc Facebook phải đối mặt với những lời kêu gọi nhà quản lý có biện pháp tăng cường giám sát, chống độc quyền.
Đại diện Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ Viện Mỹ, cho rằng các giám đốc Facebook phải điều trần về Libra trước Quốc hội Mỹ. Ngoài ra, ông Waters còn yêu cầu Facebook tạm dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà lập pháp và cơ quan quản lý xem xét kỹ dự án này.
"Với kế hoạch tạo ra một đồng tiền mã hóa, Facebook đang tiếp tục bành trướng và mở rộng khả năng tiếp cận không hề bị kiểm soát với cuộc sống của người dùng", ông Waters nói.
Các cơ quan quản lý và lập pháp cũng như quan chức chính phủ của các quốc gia khác trên toàn cầu cũng mau chóng đưa ra những tuyên bố quan trọng liên quan tới Libra. Bộ trưởng Tài chính Pháp vừa tuyên bố rằng ông đã yêu cầu giám đốc ngân hàng trung ương các nước G7 nộp báo cáo về dự án Libra của Facebook vào giữa tháng 7 tới.
Cái tên Libra xuất phát từ cách tính khối lượng của người La Mã, cung chiêm tinh đại diện cho công lý và có nghĩa là tự do trong tiếng Pháp, David Marcus, trưởng dự án Libra tại Facebook chia sẻ.
"Tự do, công lý và tiền bạc, đó chính xác là những gì chúng tôi đang cố gắng làm với dự án này", Marcus nói.
Các ông lớn trong ngành tài chính đang chờ đợi xem cơ quan quản lý và người dùng phản ứng như thế nào với Libra trước khi quyết định có tham gia hay không, Lambert chia sẻ thêm.
Một số người ủng hộ dự án Libra thừa nhận rằng lo ngại về quyền riêng tư của người dùng hoặc các chính sách tài chính có thể khiến Libra không thể đạt được các mục tiêu cao cả đã đề ra. Tuy nhiên, họ cũng đã có các phương án đối phó.
Ví dụ, Calibra có kế hoạch kiểm tra tư cách pháp nhân và hồ sơ tội phạm với các khách hàng muốn đăng ký sử dụng Libra. Họ sẽ sử dụng các quy trình xác minh và chống gian lận thường được dùng bởi các ngân hàng.
Nguy cơ Facebook bán dữ liệu cá nhân?
Facebook cho biết sẽ tách biệt dữ liệu tài chính từ giao dịch liên quan Libra khỏi dữ liệu quảng cáo liên quan người dùng. Công nghệ blockchain còn cho phép người dùng sở hữu một hoặc nhiều địa chỉ không liên quan đến danh tính đời thực của họ.
“Thông tin tài khoản và dữ liệu tài chính của khách hàng trên Calibra sẽ không được sử dụng để cải thiện hoạt động quảng cáo sản phẩm theo đối tượng trên Facebook”, công ty cho biết.
Facebook đang tận dụng một trong những lĩnh vực ít bị kiểm soát nhất để tham gia thị trường dịch vụ tài chính.
Bitcoin, đồng tiền mã hóa nổi tiếng nhất, được tạo ra vào năm 2008 như một sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống hiện đã bị kiểm soát bởi các chính phủ và ngân hàng trung ương. Do vậy, một số quốc gia đã tìm ra cách để điều tiết thị trường nhưng nhìn chung các giao dịch tiền mã hóa vẫn chưa bị giám sát chặt chẽ.
Bên cạnh việc các nhà đầu tư mất hàng trăm triệu USD do tiền mã hóa giảm giá mạnh và các vụ hack giao dịch tiền mã hóa, thị trường này cũng phải đối mặt với các cáo buộc liên quan tới rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Nhưng với vị thế và khả năng tiếp cận hàng tỷ người của mình, Facebook có thể hợp pháp hóa giao dịch tiền mã hóa, một thị trường mà từ trước đến nay vẫn còn chưa được công nhận và đầy biến động khó lường.