Ngày 15/1,Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo gần 40% việc làm trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI). Con số này thậm chí có thể lên tới 60% ở các nền kinh tế tiên tiến.
Một cách tương đối, tỷ lệ tiếp xúc với AI được ước tính lần lượt là 40% ở các thị trường mới nổi và 26% ở các nước thu nhập thấp.
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva đặc biệt lưu ý 2 thách thức mà AI đặt ra. Thứ nhất là sự khác biệt giữa những công việc sẽ được bổ sung và những công việc có thể biến mất do AI. Thứ 2 là bằng cách nào AI có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng trong một quốc gia và giữa các quốc gia.
Báo cáo của IMF nêu rõ 50% trong số các việc làm chịu ảnh hưởng của AI sẽ bị tác động tiêu cực, trong khi số còn lại có thể thực sự được hưởng lợi từ sự cải thiện trong năng suất lao động nhờ AI.
Theo IMF, AI ban đầu có ít tác động đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và khả năng được hưởng lợi từ AI của các nước này cũng thấp hơn. Điều này có thể làm gia tăng sự chênh lệch về kỹ thuật số và sự cách biệt về thu nhập giữa các nước. Cũng theo báo cáo trên, những người lao động lớn tuổi hơn dễ có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn từ những thay đổi mà AI mang lại.
Bà Georgieva cho rằng cần đưa ra các chính sách phù hợp để có thể giúp giải quyết những lo ngại này, trong đó “cần tập trung hỗ trợ các nước có thu nhập thấp để họ có thể nắm bắt được những cơ hội mà AI sẽ mang lại". Bà khẳng định dù có rủi ro, nhưng AI vẫn là "cơ hội lớn cho tất cả mọi người".
IMF cũng cho biết những người lao động có thể tiếp cận các lợi ích của AI có thể tăng năng suất và tiền lương của họ, trong khi những người không thể tiếp cận được có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Goldman Sachs trước đây đã cảnh báo AI có thể tạo ra tác động tới 300 triệu việc làm trên toàn thế giới, mặc dù ngân hàng Phố Wall thừa nhận công nghệ này có thể thúc đẩy năng suất lao động và tăng trưởng cũng như tăng tổng sản phẩm quốc nội lên tới 7%.
Báo cáo của IMF được đưa ra khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Cuộc họp thường niên của WEF, kéo dài đến thứ Sáu, diễn ra với chủ đề “ Xây dựng lại niềm tin ”.
WEF cho biết chương trình Davos thể hiện tinh thần đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng giữa các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và xã hội dân sự, trong đó những lợi ích và hạn chế của AI dự kiến sẽ là chủ đề thảo luận chính. Sự kiện này đã bị chỉ trích trong những năm gần đây vì lạc lõng , không hiệu quả và không phù hợp .