Tại sự kiện, các vấn đề về tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, công nghệ thông tin, tiếp cận phổ quát được chia sẻ, thảo luận.
Nhân dịp này, Ban tổ chức sẽ phát động chiến dịch truyền thông và cuộc thi “Đồng hành cùng D.Map - Go with D.Map” - ứng dụng trên điện thoại thông minh được phát triển với sự tài trợ của UNDP và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng với hỗ trợ kỹ thuật ban đầu của Đại học Hoa Sen.
Với thông điệp “Không bỏ ai lại phía sau”, D.Map được xây dựng trên nền tảng iOS và Android cùng phiên bản web với mong muốn trở thành một kênh thông tin hữu ích cho người khuyết tập. Với D.Map người khuyết tật có thể tìm kiếm các địa điểm được xây dựng có hạng mục tiếp cận, thuận tiện cho họ sử dụng như công viên, công sở, văn phòng, quán xá. Những thông tin này đặc biệt quan trọng với người khuyết tật, người già… khi họ có kế hoạch di chuyển. Khi cộng đồng thể hiện sự quan tâm và góp phần hỗ trợ người khuyết tật. Ứng dụng này cũng đồng thời giúp cộng đồng nhận thức về những khó khăn và nhu cầu hoà nhập chính đáng của người khuyết tật trong bối cảnh hạ tầng đô thị chưa đáp ứng.
Phát biểu tại chương trình, TS Võ Thị Hoàng Yến, người sáng lập và giám đốc DRD cho biết nhà nước đã có nhiều hoạt động như ký và phê duyệt công ước Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, ban hành luật người khuyết tật Việt Nam và bộ quy chuẩn xây dựng quốc gia đảm bảo người khuyết tật tiếp cận năm 2014. Tuy nhiên, trong thực tế thì người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi đến các địa điểm công cộng.
“Theo khảo sát của DRD, trong 1.800 công trình công cộng tại Quận 1, Quận 3, Quận 10 của TP. HCM thì chỉ có 78 công trình có một số hạng mục mà người khuyết tật có thể sử dụng được. Nếu đầu tư xây dựng các công trình có tính đến nhu cầu của người khuyết tật sẽ giúp họ hoà nhập và đóng góp vào sự phát triển xã hội một cách dễ dàng. Ứng dụng D.Map ra đời là một giải pháp góp phần xoá bỏ rào cản với người khuyết tật”, TS Hoàng Yến nói.
Hiện nay, đã có hơn 1.400 địa điểm công cộng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. HCM và một số tỉnh thành khác đã được cập nhật thông tin về mức độ tiếp cận trên ứng dụng và sẽ được người dùng liên tục cập nhật trong thời gian tới.
Phát biểu tại sự kiện, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, nêu rõ cần đảm bảo tiến bộ công nghệ phục vụ tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật. Bà kêu gọi tất cả mọi người sử dụng ứng dụng D.Map cập nhật tình trạng tiếp cận của các địa điểm công cộng.
“Với sự tham gia của tất cả mọi người, ứng dụng D.Map sẽ giúp người khuyết tật có thể sống độc lập hơn, tiếp cận được nhiều địa điểm công cộng hơn và từ đó có thể tham gia nhiều hơn vào xã hội và được sống theo cách mình muốn”.
D.Map hiện đang có ứng dụng cho điện thoại thông minh trên nền tảng iOS và Android.
Anh Nguyễn Trung Hậu, một người khuyết tật vận động, chia sẻ: "Hiện nay, phần lớn các công trình vẫn chưa có thiết kế thân thiện cho người khuyết tật (NKT) ví dụ như không có đường lên cầu thang cho xe lăn, độ cao bồn rửa nhà vệ sinh, nút bấm thang máy quá cao... Những điều này khiến cho không chỉ khiến NKT gặp khó khăn mà còn làm cho họ ngại khi phải đi ra ngoài. D.Map sẽ giúp NKT vận động như mình có thể chủ động chọn địa điểm thuận tiện. Tuy nhiên mình mong muốn những phiên bản sau sẽ có thêm những tính năng cho những nhóm NKT khác như người mù, điếc..."
Ngay tại buổi phát động, chương trình đã nhận được sự cam kết đồng hành của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp uy tín.
Tham gia và đồng hành cùng chiến dịch, người dùng sẽ giúp D.Map gia tăng số lượng các địa điểm công cộng được cập nhật trên toàn quốc. Ngoài ra, người dùng còn có cơ hội nhận giải thưởng là một chuyến đi trải nghiệm 3 ngày 2 đêm tại Singapore dành cho 2 người cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác. Các giải thưởng được tính trên số điểm tích luỹ và hoạt động của người dùng trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi. Chiến dịch và cuộc thi bắt đầu từ ngày 11/4/2019 và kết thúc vào ngày 15/11/2019. Giải thưởng sẽ được công bố vào ngày 1/12/2019.