Các tỷ phú đến từ Việt Nam gồm có: ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO VietJet Air, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank.
Để có tên trong danh sách năm nay, Tạp chí Forbes dựa trên đánh giá quy mô tài sản của cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái ngày 8 tháng 2 năm 2019. Theo đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát bị loại khỏi danh sách này. Tỷ phú Việt kiều tại Mỹ, ông Hoàng Kiều cũng bị biến mất trong danh sách này do giá trị tài sản của ông Hoàng Kiều liên tục giảm dần theo thời gian. Cụ thể, tháng 3/2016, Forbes ghi nhận ông Hoàng Kiều đang nắm giữ khối tài sản trị giá 3,5 tỷ USD nhưng đến năm 2017, con số này giảm còn 2,9 tỷ USD. Tháng 3/2018, khối tài sản của ông tiếp tục giảm xuống mức 2,8 tỷ USD. Đến tháng 10/2018, Hoàng Kiều cũng vắng mặt trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ sau 3 năm liên tiếp có tên. Khi đó, doanh nhân này sở hữu khối tài sản chỉ còn 1,6 tỷ USD.
Trong 5 gương mặt tỷ phú đến từ Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng được Forbes ghi nhận là người giàu nhất Việt Nam đứng thứ 239 thế giới với khối tài sản định giá 6,6 tỷ USD. Ông Vượng được Forbes vinh danh lần đầu năm 2013 với khối tài sản 1,5 tỷ USD. Những năm sau đó, giá trị khối tài sản của ông tăng trưởng bền vững lần lượt là 1,6 tỷ USD, 1,7 tỷ USD, 1,8 tỷ USD, 2,4 tỷ USD và 4,3 tỷ USD tương ứng với các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018. Như vậy, ông Phạm Nhật Vượng là doanh nhân Việt Nam duy nhất hiện nay có tên trong bảng xếp hạng những tỷ phú giàu có nhất thế giới liên tục trong suốt 7 năm liên tiếp. Các lĩnh vực ông Vượng tham gia đầu tư gồm: bất động sản, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất, y tế và giáo dục. Gần đây, tập đoàn Vingroup của ông Vượng chú trọng đến đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất và công nghệ. Vingroup cũng vừa công bố việc khai trương công ty công nghệ đầu tiên của tập đoàn tại Hàn quốc, tập trung vào robot công nghiệp, giám sát điều khiển, màn hình tinh thể lỏng và công nghệ pin.
Đứng thứ hai trong danh sách tỷ phú USD Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản được định giá 2,3 tỷ USD, xếp thứ 1.008 thế giới. Bà Thảo cũng là tỷ phú người Việt được Forbes vinh danh trong 3 năm liên tiếp: 2017, 2018, 2019 với khối tài sản dao động tương ứng là 1,7 tỷ, 3,1 tỷ và 2,3 tỷ USD. Các lĩnh vực đầu tư của bà là hàng không, bất động sản và ngân hàng.
Ông chủ Thaco Trần Bá Dương giữ vị trí người giàu thứ ba Việt Nam với tài sản định giá 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1.349 thế giới. Ông Dương là doanh nhân duy nhất chỉ tập trung đầu tư cho ngành sản xuất chế tạo ô tô. Ông được Forbes vinh danh trong 2 năm liên tiếp 2018, 2019 với khối tài sản ổn định cả 2 năm là 1,7 tỷ USD.
Hai tỷ phú USD mới của Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh với tài sản 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1.349 thế giới và ông Nguyễn Đăng Quang, tài sản định giá ở mức 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717. Cả hai ông Hùng Anh và ông Quang đều đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng và hàng tiêu dùng.
Người giàu nhất thế giới năm nay vẫn là Jeff Bezos, CEO của Amazon, với tài sản 131 tỷ. Xếp sau Bezos là tỷ phú Bill Gates với 96,5 tỷ USD, huyền thoại đầu tư Warent Buffett (82,5 tỷ USD) và Chủ tịch kiêm CEO hãng thời trang sa xỉ LVMH - Bernard Arnault (76 tỷ USD).
Điểm qua các tên tuổi tỷ phú hàng đầu thế giới và Việt Nam cho thấy, xu hướng các tỷ phú làm giàu từ lĩnh vực công nghệ ngày càng rõ nét. Điều đó làm cho nhận định về sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra trên toàn thế giới đã và đang ảnh hưởng đậm nét đến đầu tư và công nghệ.
“Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu chiếc xe nào. Facebook, nhà sở hữu phương tiện truyền thông phổ biến nhất thế giới, không tạo ra nội dung nào. Alibaba, nhà bán lẻ có giá trị nhất thế giới, không có tý hàng lưu kho nào. Và Airbnb, nhà cung cấp phòng ở cho thuê lớn nhất thế giới, không có chút bất động sản nào”. (Nhận định của TechCrunch). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi phương thức kinh doanh và hành vi ứng xử của con người trên toàn cầu.