“Cửa hàng bán lẻ lớn nhất thế giới” của tỷ phú Jeff Bezos đang dính bê bối trầm trọng khi bị tố cáo để mặc cho người dùng chưa được xác thực đánh giá 5 sao cho các sản phẩm. Thậm chí tất cả đánh giá 5 sao của top 10 sản phẩm tai nghe đều là giả.
Theo báo cáo của nhóm người tiêu dùng Which? mới đây, họ đã phát hiện ra hàng nghìn lượt đánh giá chưa xác thực của các sản phẩm rao bán trực tuyến trên trang thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu Amazon.
Cuộc điều tra phát hiện hàng trăm đánh giá 5 sao chưa được xác minh đã được đăng trên các trang sản phẩm chỉ trong một ngày. Nhiều trang sản phẩm có kèm theo các đánh giá tích cực cho các mặt hàng hoàn toàn khác nhau.
Which? đã tìm kiếm trên Amazon 14 sản phẩm công nghệ, bao gồm tai nghe, đồng hồ thông minh và thiết bị đeo. Trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm tai nghe, khi được sắp xếp để hiển thị các sản phẩm có đánh giá tốt nhất trước tiên, cho thấy 100% các mặt hàng thuộc các thương hiệu mà các chuyên gia công nghệ chưa từng nghe thấy.
Mặc dù 71% các mục trên trang kết quả tìm kiếm đầu tiên có đánh giá 5 sao, nhưng gần 90% các đánh giá đó chưa được xác minh.
Chỉ trong vài giờ, Which? đã phát hiện hơn 10.000 đánh giá từ người mua chưa được xác minh với 24 mặt hàng.
Một cặp tai nghe của một thương hiệu không rõ có 439 đánh giá - tất cả đều là 5 sao, chưa được xác minh và được đăng cùng ngày.
ReviewMeta, một trang chuyên kiểm tra các đánh giá của Amazon cũng khẳng định tất cả đánh giá 5 sao của top 10 sản phẩm tai nghe đều là giả.
Các sản phẩm khác, như máy theo dõi thể dục và đồng hồ thông minh, cho thấy kết quả đáng ngờ tương tự.
Phản ứng trước vấn đề này, phát ngôn viên của Amazon đã từ chối bình luận về báo cáo mà Which? đưa ra và khẳng định rằng Amazon luôn dành nhiều nguồn lực để đảm bảo tính trung thực của các đánh giá trên website.
“Một đánh giá giả đối với chúng tôi cũng đã là quá nhiều” - người phát ngôn nói - “Chúng tôi có bộ quy tắc thực hiện rất rõ ràng dành cho cả người mua lẫn người bán hàng. Chúng tôi có các biện pháp đình chỉ tạm thời, cấm và có các biện pháp về pháp lý đối với những người vi phạm chính sách của công ty.”
“Cửa hàng bán lẻ lớn nhất thế giới” cho biết họ đồng thời có một nhóm điều tra và công nghệ tự động để tìm ra các đánh giá giả mạo. Tuy nhiên Which? cho rằng những công cụ này không đủ để có thể chống lại các luồng thông tin sai lệch.
Có đến 97% người mua hàng dựa vào các đánh giá trực tuyến để giúp mua hàng, theo nghiên cứu được thực hiện bởi Which? vào tháng 9 năm ngoái. Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh của Vương quốc Anh ước tính rằng 23 tỷ bảng Anh (30 tỷ đô la) trong chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này bị ảnh hưởng bởi các đánh giá trực tuyến hàng năm.
Ngày 16/4, Natalie Hitchins, người đứng đầu Which? tuyên bố rằng: “Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy Amazon đang thua trong cuộc chiến chống lại các đánh giá giả mạo, và người mua hàng thì bị tấn công liên tục bởi các đánh giá mơ hồ vốn được dùng để đẩy mạnh sản phẩm từ các thương hiệu vô danh.”
Đại diện của tổ chức này khuyên người dùng nên cảnh giác với các đánh giá ảo và đồng thời cũng yêu cầu Amazon cần phải có những động thái nhằm xác thực các đánh giá để có thể củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Trước đó, vào năm 2018, sau sự kiện hàng trăm người mua hàng ở Mỹ xoá tài khoản của mình, Amazon bắt đầu có những động thái nhằm kiểm soát các đánh giá giả mạo trên trang web.