Chiến lược trực tiếp này là tham vọng lật lại thế cân bằng giữa Mỹ, châu Âu với châu Á khi chính phủ các nước ngày càng lo ngại về rủi ro khi sản xuất tập trung tại Đài Loan giữa căng thẳng với Trung Quốc.
Trong thông báo mới được phát đi, tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Mỹ sẽ chi 20 tỷ đô la để xây dựng hai nhà máy sản xuất ở Chandler, Arizona.
"Chúng tôi chọn Arizona cho khoản đầu tư mới trị giá 20 tỷ USD bởi vì Arizona là trung tâm sản xuất lớn nhất của Mỹ, được hỗ trợ bởi hệ sinh thái đổi mới mạnh mẽ. Intel cũng có mối quan hệ sâu sắc với cộng đồng tại đây", thông báo của Intel nêu rõ.
Việc Intel tham gia vào thị trường sản xuất chip theo hợp đồng chỉ diễn ra hơn 1 tháng sau khi ông Pat Gelsinger đảm nhận ghế nóng CEO tại Intel, đánh dấu sự thay đổi chiến lược của ông lớn công nghệ Mỹ.
Động thái này được đánh giá lời thách thức cứng rắn của Intel với đối thủ sản xuất chất bán dẫn khổng lồ TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) trong phân khúc sản xuất chip theo hợp đồng. Cách đây chưa lâu, TSMC cũng sẽ khởi công nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở chính Arizona trong năm nay. Cả hai nhà mày đều được xác định là để phục vụ các khách hàng ở Mỹ và toàn cầu.
Đồng thời, tập đoàn này cũng cho ra mắt dịch vụ có tên Intel Foundry Services để sản xuất chip cho các công ty khác. Đây là một sự thay đổi lớn đối với công ty có trụ sở tại Santa Clara, California.
Sau thông báo này, cổ phiếu của Intel đã tăng hơn 7% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Diễn biến cho thấy nhà đầu tư hào hứng với chiến lược mới đầy hứa hẹn, có thể sẽ hồi sinh hoạt động sản xuất chip ở phương Tây, đồng thời sẽ mang lại cho họ những mối quan hệ đối tác. Trong khi đó, cổ phiếu của TSMC và Samsung lần lượt giảm 3,9% và 1,3% trong phiên giao dịch tại châu Á hôm nay.
Cách đây khoảng 1 tuần, Bloomberg đưa tin, nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) sẽ xây nhà máy mới có trị giá 2.4 tỷ USD.
Theo hồ sơ trên sàn chứng khoán, SMIC đã đồng ý hợp tác với thành phố Thâm Quyến để phát triển và vận hành một nhà sản xuất chip mới có thể sản xuất những con chip có kích cỡ từ 28 nanomet trở lên. Liên doanh này đặt mục tiêu sản xuất vào năm 2022 và khi hoạt động hết công suất, nó có thể tạo ra 40.000 tấm thành phẩm kích thước 12 inch mỗi tháng. Sau những thông tin về nhà máy mới, cổ phiếu của SMIC đã tăng thêm 3% vào thứ 5.
Bloomberg nhận định, Trung Quốc đang muốn xây dựng một nhóm các những "gã khổng lồ công nghệ", có thể sánh vai với những tập đoàn hàng đầu như Intel Corp hay TSMC trong kế hoạch 5 năm tới. Trong cuộc chạy đua về công nghệ, sản xuất chip được đánh giá là mặt trận rất nóng giữa hai siêu cường.
Bắc Kinh được cho là đang nhanh chóng cắt giảm sự phụ thuộc vào phương Tây ở một số mặt hàng quan trọng như chip. Nhu cầu càng trở nên cấp thiết hơn khi tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu ngày càng trầm trọng trong đại dịch.
Dự kiến, 2 nhà máy mới của Intel sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Việc xây dựng sẽ được bắt đầu trong năm nay, theo đó tạo ra 3.000 việc làm trong ngành xây dựng. Sau khi xây dựng, Intel tiếp tục tạo ra ít nhất 3.000 việc làm cố định trong ngành công nghệ cao với mức lương hấp dẫn và khoảng 15.000 dài hạn tại địa phương.