Ngày 25/5, tại Hà Nội, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) chủ đề "Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số" đã chính thức khai mạc.
Tham dự phiên khai mạc Diễn đàn, đặc biệt có sự góp mặt của lãnh đạo các bộ/ban/ngành Trung ương, địa phương và đại diện các doanh nghiệp như Công ty FPT Digital; Công ty TNHH Thương Mại Điện Tử Lazada Việt Nam; Công ty Cổ phần MISA; Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land… Các đại biểu, chuyên gia đã có cơ hội để chia sẻ những tiến bộ đạt được và thảo luận về giải pháp để các doanh nghiệp, tổ chức có thể đóng góp trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hơn 150 diễn giả tại sự kiện sẽ tập trung bàn bàn thảo trong 18 phiên hội nghị bao gồm 1 phiên khai mạc và 18 phiên chuyên đề, thiết kế theo 4 trục nội dung:
- Chính phủ số: Bao gồm 3 phiên là hợp lực chuyển đổi số cho bộ, ngành; hợp lực chuyển đổi số cho các địa phương và kinh nghiệm chuyển đổi số tại các quốc gia châu Á.
- Kinh tế số: 8 phiên dành cho 8 ngành trọng điểm ưu tiên chuyển đổi số bao gồm tài chính-ngân hàng; giao thông vận tải-logistics; y tế; giáo dục; du lịch; thương mại; bất động sản; nông nghiệp.
- Doanh nghiệp số: Doanh nghiệp SMEs, doanh nghiệp sản xuất, nền tảng số-dịch vụ điện toán; nhân lực số, khởi nghiệp số và khởi nghiệp-ý tưởng khởi nghiệp.
- Chuyển đổi số tại châu Á: 2 phiên và chia sẻ thông tin của 11 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực về các chương trình, kinh nghiệm, điển hình thành công trong chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Để thực hiện thắng lợi mục tiêu vô cùng thách thức của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa bộ, ngành với bộ, ngành giữa địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam”.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp đã chia sẻ về tình hình thực tế, định hướng và kế hoạch Chuyển đổi số tại từng doanh nghiệp với lộ trình cụ thể. Doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn tại doanh nghiệp của mình, đồng thời, thể hiện rõ cam kết và quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc Chuyển đổi số nói chung và trong từng lĩnh vực của nền kinh tế nói riêng.
Điểm nhấn của Diễn đàn năm nay là sự xuất hiện, tham luận của một số doanh nghiệp Start-up, có nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực kinh doanh mới nổi. Trong đó, phần tham luận của đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land – doanh nghiệp Start - up trong lĩnh vực Công nghệ Bất động sản (Proptech) đã để lại ấn tượng tại sự kiện khi thẳng thắn nhìn nhận và chia sẻ những tồn tại của thị trường bất động sản Việt Nam, đồng thời đề xuất những giải pháp mới, góp phần chuyển đổi số toàn diện cho lĩnh vực bất động sản.