Cam kết của Facebook với ngành tin tức theo sau động thái năm 2020 của đối thủ Google. Google cũng tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho báo chí. Các gã khổng lồ công nghệ đều đang bị giám sát chặt chẽ mô hình kinh doanh cũng như thông tin sai sự thật trên nền tảng.
Sau khi Quốc hội Australia tuyên bố xem xét thông qua dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, căng thẳng giữa hai bên bắt đầu gia tăng khi Facebook thông báo không cho phép người dùng Australia chia sẻ hoặc xem nội dung tin tức. Quyết định của Facebook đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này. Không những thế, họ cũng không tìm thấy thông tin từ các trang của các tổ chức như Cục Khí tượng và Cơ quan Phòng chống Tự tử Australia. Động thái này của Facebook đã vấp phải nhiều sự chỉ trích.
AFP dẫn lời Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu, cho biết trong một tuyên bố hôm 24.2 rằng, Facebook sẵn sàng hỗ trợ các phương tiện truyền thông, nhưng vẫn nhắc lại mối quan ngại của họ về các khoản phí tin tức bị bắt buộc.
Clegg đã bảo vệ gã khổng lồ truyền thông xã hội của Mỹ trong một bài đăng trên blog có tiêu đề “Câu chuyện thực tế về những gì đã xảy ra với tin tức trên Facebook ở Australia”.
Trong blog giải thích về quyết định của mình, Facebook cho biết lệnh cấm tin tức liên quan tới “hiểu lầm căn bản” về mối quan hệ giữa công ty và nhà xuất bản. Mạng xã hội cũng thừa nhận một số nội dung không phải tin tức vô tình bị chặn nhưng may mắn là được phục hồi nhanh chóng.
Phó Chủ tịch phụ trách Các vấn đề toàn cầu Nick Clegg cho biết về mặt pháp lý, việc cấm chia sẻ tin tức tại Australia trước khi dự luật được thông qua là cần thiết. Tuy nhiên, Facebook đã sai lầm khi thực thi quá mức.
Tờ Financial Times nhận định tổng số tiền 2 tỷ USD từ Google và Facebook phản ánh sự dịch chuyển quan trọng trong sức mạnh thương mại hướng tới các tập đoàn tin tức. Dù vậy, không rõ nó có đủ để thỏa mãn nhu cầu ngày một lớn của nhà xuất bản hay có đủ để tránh được các động thái quyết liệt, tốn kém hơn từ các nhà chức trách toàn cầu không.
Facebook chia sẻ từ năm 2018, họ đã đầu tư 600 triệu USD vào ngành công nghiệp tin tức. Hãng cũng đang tích cực đàm phán với các nhà xuất bản tại Đức, Pháp để trả tiền cho nội dung trên sản phẩm tin tức mới, nơi người dùng có thể tìm kiếm các bài báo được cá nhân hóa.
Song, giá trị đàm phán của các nhà xuất bản tại Australia tăng mạnh do chính phủ thúc đẩy cải cách, mang lại quyền tìm kiếm trọng tài bắt buộc trong các tranh chấp với Facebook hay Google. Tuần trước, Google đã thống nhất giao dịch với News Corp, nhà xuất bản lớn nhất Australia, mà không tiết lộ số tiền.