Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, cho biết đây là các doanh nghiệp chậm đóng từ 6 tháng trở lên, tính đến cuối năm 2021. Ngoài những đơn vị nợ suốt thời gian dài, không còn khả năng trả có thêm một số công ty lớn cũng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Cụ thể, các doanh nghiệp, đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH có thể kể tới như: Tổng Công ty Tư vấn thiết kế dầu khí (huyện Nhà Bè) trốn đóng hơn 11 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (quận 3) trốn đóng hơn 18 tỷ đồng; Công ty TNHH Yujin Vina (TP. Thủ Đức) trốn đóng hơn 32 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (quận 1) trốn đóng hơn 32,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Thiếu Nhi Mới (quận 1) trốn đóng hơn 29 tỷ đồng...
Theo ông Mến, nguyên nhân chính do Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động thanh tra của ngành bảo hiểm xã hội cũng tạm dừng, không kịp thời nhắc nhở, xử phạt cũng khiến nợ tăng lên.
Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH trong bối cảnh đại dịch COVID-19, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo BHXH các quận, huyện phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế nhằm đôn đốc thu, thu nợ theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cơ quan BHXH sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, chuyển hồ sơ và đề nghị cơ quan Công an xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hoặc không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra.
Hiện, quy định đóng bảo hiểm xã hội ở mức 30,5% lương cơ sở (cho quỹ hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bảo hiểm y tế...), trong đó phía doanh nghiệp đóng 20%, người lao động đóng 10,5%. Mức đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng), tức là 29,8 triệu đồng. Khi doanh nghiệp chây ì, người lao động sẽ không được hưởng những quyền lợi trên.
Trước đó, năm 2021, BHXH TPHồ Chí Minh đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, đối chiếu 2.007 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó, kiểm tra, đối chiếu 1.651 doanh nghiệp; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 52 doanh nghiệp…
Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH trên địa bàn Thành phố đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp lập thủ tục tham gia cho 879 người lao động với số tiền truy đóng 14,6 tỷ đồng; điều chỉnh mức lương đóng cho 1.002 người lao động với số tiền 1,5 tỷ đồng.
Số thu nợ qua công tác thanh tra, kiểm tra là 195 tỷ đồng; 45 doanh nghiệp thực hiện truy đóng cho 544 người lao động với số tiền 11,7 tỷ đồng và 30 doanh nghiệp đã lập hồ sơ điều chỉnh mức lương cho 876 người lao động với số tiền 1,35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng kiên quyết lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 18 doanh nghiệp.