Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiến hành triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tư pháp đã thực hiện rà soát để sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến tiếp cận đất đai. Đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến quyền kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tiếp cận đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều vướng mắc và nhận được nhiều kiến nghị từ phía các nhà đầu tư.
Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức Hội thảo “Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn rất nhiều theo giá thị trường gây thất thoát lãng phí đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Đặc biệt, tình trạng khiếu kiện trong dân tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và lòng tin của người dân vào chính quyền.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, qua rà soát cho thấy còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai. Trong đó, Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đang tồn tại nhiều quy định không đồng nhất với nhau.
Ví dụ như, Luật Đấu thầu 2013 quy định về các trường hợp, trình tự, thủ tục đấu thầu dự án; Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu chưa có quy định thống nhất về việc trường hợp đã đấu thầu dự án thì có phải đấu giá quyền sử dụng đất không và trường hợp đã đấu giá quyền sử dụng đất thì có phải đấu thầu dự án hay không. Hay tại Luật Doanh nghiệp 2014 tồn tại khái niệm tài sản góp vốn là giá trị quyền sử dụng đất, còn Luật Đất đai 2013 thì sử dụng khái niệm góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đây là hai khái niệm chưa thống nhất và gây ra nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 12 bộ và cơ quan ngang bộ; 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 tập đoàn; 3 hiệp hội, 3 ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao về những bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Ngoài những vướng mắc trong quy định pháp luật về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành như rào cản về thủ tục, các yêu cầu chồng chéo cản trở việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn về phía cơ quan Nhà nước trong tổ chức triển khai quy định về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.