Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Xu hướng mới trong pháp luật và thực tiễn phòng vệ thương mại ở Hoa Kỳ: Cập nhận thông tin và khuyến nghị cho doanh nghiệp”. Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, đại diện các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Từ góc độ quốc tế, sẽ có hai loại tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Một là tác động tiêu cực tới các quốc gia đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ dưới các chính sách mà Mỹ đã đưa ra. Hai là tác hại kinh tế khác ngay trong chính nước Mỹ, đặc biệt là với các nhà sản xuất.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe phần trình bày trực tiếp từ chuyên gia Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong đó, giới thiệu về pháp luật phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ; các quy định và thực tiễn mới về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ; cũng như cập nhật tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại hiện nay ở Mỹ liên quan tới hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Đại diện Vụ tuân thủ và Thực thi, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát biểu tại hội thảo.
Theo số liệu thống kê của VCCI, tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng cũng là thị trường chiếm tới 22% tổng số vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở nước ngoài. Tiếp đó là các thị trường Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, EU, Canada, Braxin...
Các vụ kiện chống bán phá giá thường có thời hạn rất ngắn trong khi các yêu cầu về kỹ thuật lại phức tạp, Bản thân các DN Việt Nam còn yếu trong việc xử lý các vụ kiện ở nước ngoài. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ, tác động của biện pháp phòng vệ thương mại tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, các DN trong nước, các hiệp hội cần chú trọng hơn nữa đến công tác phòng vệ thương mại, chủ động phòng tránh và có biện pháp như: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm... để hạn chế khả năng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, các DN nên có sự chuẩn bị những hiểu biết nhất định về quy trình kiện, về kiến thức, về hồ sơ, chứng từ sổ sách sao cho minh bạch, rõ ràng. Điều quan trọng là, các DN nên thường xuyên cùng với các đối tác nhập khẩu theo dõi sát các động thái từ phía Hoa Kỳ. Để tiếp cận thị trường nước ngoài, hàng hóa Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản như an toàn vệ sinh thực phẩm hay các hàng rào kỹ thuật và những hàng rào thương mại.