Lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch, hợp tác với Huawei đã khiến nhà sản xuất Trung Quốc này tiếp tục gặp khó khăn. Cũng như smartphone, Huawei phải sử dụng không ít công nghệ và linh kiện có nguồn gốc từ Mỹ trong mảng máy tính cá nhân. Ví dụ, hệ điều hành là Windows của Microsoft hay chip xử lý cũng là Intel. Cả hai đều nằm trong giới hạn lệnh cấm vận của Mỹ. Cùng với Google, Microsoft, Intel và Qualcomm đều được cho đã phải tạm ngừng giao dịch và hợp tác với Huawei để tránh vi phạm quy định của chính phủ.
Gã công nghệ khổng lồ Microsoft của Mỹ mới đây đã gỡ bỏ các sản phẩm laptop của nhà sản xuất Trung Quốc Huawei khỏi trang bán hàng trực tuyến của mình. Tìm kiếm từ "Huawei" trên trang bán hàng của Microsoft không cho kết quả nào, còn các đường link dẫn tới những mẫu sản phẩm mới nhất của Huawei cũng báo lỗi, theo CNN.
Mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng, gồm smartphone, laptop, máy tính bảng và đồng hồ thông minh, đóng góp lớn nhất vào doanh thu của Huawei trong năm ngoái. Mảng này mang về doanh thu gần 349 tỷ Nhân dân tệ (50 tỷ USD), trong năm 2018, chiếm hơn 45% tổng doanh thu của tập đoàn.
Các nghiên cứu mới nhất từ Digitimes cho thấy Apple và Lenovo là những công ty hưởng lợi lớn nhất khi đối thủ Huawei thu hẹp hoạt động máy tính bảng. Vào năm ngoái, Huawei có thị phần 9,8%, xếp sau Samsung với 15,1% thị phần. Apple thống thị thị trường với 34,6% thị phần.
Hiện tại, Apple vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường, với Samsung, Huawei, Amazon và Lenovo xếp sau. Nếu Huawei vắng bóng trên thị trường máy tính bảng, không bất ngờ thị phần iPad sẽ ngày càng được cải thiện và khẳng định vai trò đi đầu của Apple.
Việc bị Google và Microsoft cắt quan hệ khiến các thiết bị tiêu dùng của Huawei trở nên kém hấp dẫn đối với người dùng quốc tế, đặc biệt là smartphone.
Theo nhà phân tích Ishan Dutt của hãng nghiên cứu Canalys, đối với Huawei, việc mất nhà cung cấp Microsoft gây ít tổn thương hơn so với mất Google bởi nhà sản xuất Trung Quốc chỉ chiếm 2% thị phần laptop toàn cầu.