Samsung là hãng smartphone lớn nhất tại Nga với thị phần khoảng 30%. Đất nước này chiếm 4% doanh số smartphone của Samsung trên toàn cầu. Công ty Hàn Quốc cũng có nhà máy sản xuất TV tại thành phố Kaluga.
Không chỉ Samsung, nhiều hãng công nghệ lớn đã công bố hạn chế dịch vụ, ngừng bán sản phẩm tại Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động tấn công Ukraine vào cuối tháng 2.
Microsoft, Intel, Apple dừng bán sản phẩm tại Nga
Trong ngày 4/3, Microsoft thông báo dừng bán toàn bộ sản phẩm phần cứng, phần mềm và nhiều hoạt động kinh doanh tại Nga để tuân theo các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đại diện công ty tuyên bố hợp tác với các cơ quan an ninh mạng tại Ukraine để bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công tiềm tàng.
Xung đột căng thẳng cũng khiến PayPal dừng hoạt động dịch vụ thanh toán tại Nga từ ngày 5/3. Dan Schulman, CEO PayPal khẳng định sát cánh cùng cộng đồng quốc tế nhằm "lên án hành động tấn công quân sự của Nga tại Ukraine".
Từ 2/3, người dùng mới tại Nga không thể đăng ký sử dụng PayPal. Công ty này tuyên bố quyên góp 150 triệu USD cho các tổ chức từ thiện nhằm hỗ trợ Ukraine. Tuân theo lệnh trừng phạt của Mỹ, HP cũng ngừng xuất khẩu các lô hàng sản phẩm đến Nga. Trong khi đó, AMD và Intel tuyên bố tạm dừng bán chip tại Nga và Belarus.
"Dựa trên các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga từ Mỹ và những quốc gia khác, AMD hiện tạm ngừng phân phối sản phẩm tại Nga và Belarus, kể cả phần cứng sử dụng linh kiện của AMD như máy tính", đại diện AMD cho biết. Lệnh cấm có thể khiến người dùng Nga khó mua chip máy tính từ các kênh bán hàng chính thống, đồng thời đẩy giá chip tồn kho lên cao.
Ngày 1/3, Apple cho biết đã ngừng xuất khẩu, phân phối sản phẩm tại Nga. Dịch vụ thanh toán Apple Pay ở Nga cũng bị giới hạn. Trong khi đó, ứng dụng tin tức RT News và Sputnik News bị vô hiệu hóa khỏi App Store ở các thị trường ngoài Nga.
"Chúng tôi rất lo ngại về cuộc tấn công của Nga tại Ukraine, luôn sát cánh cùng những người phải gánh chịu hậu quả. Chúng tôi đang hỗ trợ nhân đạo, viện trợ khủng hoảng tị nạn đang diễn ra và làm mọi thứ để hỗ trợ đội ngũ của chúng tôi tại khu vực", đại diện Apple cho biết.
những lệnh trừng phạt từ Nhà Trắng chủ yếu đánh vào lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp của Nga thay vì thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, Apple, Microsoft Intel hay AMD đã mạnh tay hơn khi cắt nguồn cung sản phẩm của thị trường Nga.
Những hạn chế trên Internet
Trên các nền tảng Internet, Google và Meta cũng đưa ra những hạn chế. Ngày 4/3, Google đã tạm dừng tất cả hoạt động quảng cáo tại Nga, bao gồm quảng cáo trả tiền trên YouTube, Google Search hay AdSense. Theo WSJ, động thái này diễn ra sau khi cơ quan kiểm duyệt nước này cáo buộc YouTube góp phần lan truyền tin giả, kích động biểu tình.
Trước đó, Roskomnadzor, cơ quan quản lý viễn thông và Internet tại Nga đã ban hành lệnh hạn chế truy cập Facebook. Thông báo của Roskomnadzor cho biết Facebook đã chặn một số cơ quan truyền thông của Nga, bao gồm RIA Novosti, lenta.ru và gazeta.ru.
Đáp trả hành động từ chính phủ Nga, Nathaniel Gleicher, Giám đốc Bảo mật Facebook tuyên bố cấm các cơ quan truyền thông Nga chạy quảng cáo hoặc kiếm tiền trên nền tảng, tiếp tục gắn nhãn các nội dung có nguồn gốc từ một số trang tin của Nga.
Ngày 5/2, Roskomnadzor xác nhận đã chặn quyền truy cập Facebook và Twitter tại Nga. Trong khi Twitter chưa đưa ra bình luận, đại diện Meta cho biết sẽ "nỗ lực cung cấp dịch vụ hết mức có thể".
Netflix tuyên bố sẽ không bổ sung các kênh truyền hình Nga vào dịch vụ xem phim tại nước này, bất chấp quy định yêu cầu tích hợp các kênh truyền hình địa phương. "Với tình hình hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch bổ sung kênh của Nga vào dịch vụ", đại diện Netflix chia sẻ vào ngày 28/2.
Theo CNET, ứng dụng Snapchat đã tạm dừng tất cả hoạt động quảng cáo tại Nga và Belarus, song bản thân app vẫn có thể truy cập để người dùng liên lạc.
Ngành game và eSports chịu chung số phận
Hàng loạt công ty lớn trong ngành game cũng đưa ra tuyên bố cứng rắn liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Ngày 3/3, CD Projekt Red, công ty Ba Lan đứng sau loạt game The Witcher hay Cyberpunk 2077 tuyên bố ngừng bán toàn bộ game tại Nga và Belarus.
Theo CNBC, động thái này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của CD Projekt Red khi 9% doanh thu của hãng trong năm 2021 đến từ Nga và Belarus.
Trước đó một ngày, Electronic Arts (EA) cho biết sẽ xóa đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ Nga khỏi dòng game FIFA và NHL. Sau đó, hãng này tuyên bố ngừng bán toàn bộ game, các nội dung liên quan tại Nga và Belarus.
Ông Mykhailo Fedorov, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine đã kêu gọi Microsoft và Sony khóa toàn bộ tài khoản người dùng Nga và Belarus, hủy mọi sự kiện và cấm game thủ từ 2 nước này tham gia các giải đấu eSports quốc tế.
Hiện tại, máy chơi game PlayStation 5 vẫn được bán tại Nga dù áp lực lên Sony ngày càng tăng. Trong khi đó, các mẫu Xbox đã không còn được phân phối do Microsoft ngừng bán mọi sản phẩm ở nước này.
Theo CNET, cửa hàng eShop của Nintendo được đưa vào trạng thái bảo trì, đồng nghĩa người dùng Nintendo Switch tại Nga không thể truy cập dịch vụ để mua game.
Với quy mô lớn, ngành thể thao điện tử tại Nga cũng chịu những án phạt. Ngày 1/3, ban tổ chức ESL Pro League, giải đấu chuyên nghiệp của game Counter-Strike: Global Offensive (CS:GO) tuyên bố sẽ cấm 2 đội Virtus.pro và Gambit của Nga dự giải vào tháng 6.
ESL cho biết các tuyển thủ của 2 đội vẫn có thể thi đấu "dưới một cái tên trung lập, không đại diện cho quốc gia, tổ chức hoặc nhà tài trợ trên trang phục". Những giải đấu diễn ra trong Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) bao gồm Nga, Ukraine, Belarus... cũng bị tạm dừng.