Tencent là một trong những nhà phát hành trò chơi điện tử lớn nhất thế giới và cũng là công ty vận hành WeChat - dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất ở Trung Quốc. Thời gian gần đây, hãng còn "lấn sân" sang các lĩnh vực khác, trong đó có chip bán dẫn và điện toán đám mây, để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.
Một trong những chip bán dẫn mới được Tencent công bố có tên gọi là Zixiao. Chip có khả năng xử lý hình ảnh, video và ngôn ngữ bản địa, có thể được dùng cho các trợ lý giọng nói trí tuệ nhân tạo (AI), ví dụ như những trợ lý giọng nói AI vốn dựa vào khả năng của máy tính để hiểu và xử lý ngôn ngữ của con người. Loại chip thứ hai là chip chuyển mã video, được sử dụng để chuyển đổi video sang các định dạng khác. Sản phẩm chip thứ 3 giống như một loại thẻ giao diện mạng (network card) được thiết kế để hỗ trợ các quy trình điện toán đám mây.
“Chip là thành phần quan trọng của phần cứng và cơ sở hạ tầng cốt lõi internet công nghiệp”, Dowson Tong Taosang, Phó chủ tịch cấp cao, kiêm Chủ tịch mảng kinh doanh ngành công nghiệp thông minh và đám mây của Tencent, nói trong buổi công bố chip mới tại Hội nghị thượng đỉnh hệ sinh thái kỹ thuật số của Tencent ở Vũ Hán. Ông Tong cũng cam kết gói trị giá 3 tỉ USD để trợ giúp các đối tác kinh doanh đám mây của công ty trong ba năm tới.
Tại sự kiện ra mắt chip ở Vũ Hán. Phó chủ tịch Qiu Yuepeng của Tencent cho biết chip AI Zixiao đã đi vào sản xuất thử nghiệm và hoạt động tốt hơn so với các sản phẩm hiện có cùng loại của công ty. Tốc độ nén của chip chuyển mã video Canghai cao hơn 30% so với các chip hiện có cùng loại, còn Xuanling hoạt động tốt hơn bốn lần so với các bộ điều khiển giao diện mạng khác.
Tencent chủ yếu được biết đến với danh hiệu công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu và vận hành siêu ứng dụng đa năng WeChat. Nhưng hãng này cũng đầu tư chiến lược vào ngành công nghiệp bán dẫn trong vài năm qua. Tháng 1.2021, Tencent tham gia vòng gọi vốn Series C trị giá 279 triệu USD của công ty khởi nghiệp chip AI Enflame Technology.
Hiện nay hầu hết các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc đã tăng mạnh đầu tư cho lĩnh vực chất bán dẫn. Tháng 8 vừa qua, Baidu ra mắt chip AI thế hệ thứ hai. Tháng trước, Alibaba cũng đã công bố loại chip thiết kế cho các máy chủ và điện toán đám mây. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc hiện mới chỉ dừng lại ở việc tự thiết kế chip, trong khi việc sản xuất và các phần còn lại của chuỗi cung ứng vẫn phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài. Đây được cho là một thách thức lớn đối với những tham vọng phát triển ngành này của Trung Quốc.
Tin tức được đưa ra vài tuần sau khi đối thủ của họ, Alibaba, ra mắt bộ vi xử lý dựa trên Arm tùy chỉnh có tên là Yitian 710. CPU mới sẽ được sử dụng trong các máy chủ Panjiu của công ty và sẽ không được bán thương mại. Vì chip mới dựa trên quy trình công nghệ 5nm, nên chỉ có hai phỏng đoán về nhà máy đúc nào tạo ra chúng: Samsung hoặc TSMC.
Tencent và Alibaba là những người chơi lớn nhất trên thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây của Trung Quốc, với 52,6% thị phần tính đến thời điểm hiện tại. Những nỗ lực của họ được thúc đẩy bởi kế hoạch của Trung Quốc nhằm đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ vào năm 2025 và dần dần thay thế công nghệ nước ngoài được sử dụng trên cơ sở hạ tầng công cộng bằng các giải pháp "cây nhà lá vườn".