Cơ hội này đã được Chính phủ Việt Nam nhìn nhận và được các chuyên gia hàng đầu ngành công nghiệp phân tích mổ xẻ trong buổi hội thảo “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Tiềm năng và cơ hội” do Cục Công nghiệp Bộ Công Thương tổ chức diễn ra vào sáng ngày 9/12 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2020.
Mở đầu buổi Hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương nhận định: “Chính sự dịch chuyển của các doanh nghiệp FDI đang tạo ra thời cơ để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiểm soát như hiện nay”.
Trên thực tế, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Chính phủ đã đề ra ba giải pháp đột phá như: đột phá về thể chế, đột phá về nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ Chính phủ chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước…
Mới đây nhất, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị Quyết 115/NQ-CP ngày 06 tháng 08 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển công nghiệp hỗ trong giai đoạn 5, 10 năm tới. Nghị quyết 115 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đưa ra 07 nhóm giải pháp chính bao gồm: Nghị quyết tập trung 07 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách; (ii) Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ; (iii) Giải pháp về tài chính, tín dụng; (iv) Phát triển chuỗi giá trị trong nước; (v) Phát triển và bảo vệ thị trường; (vi) Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; (vii) Thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu. Nhóm giải pháp này đã được rà soát, tham vấn kỹ lưỡng về tính khả thi và hiệu quả dựa trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan đơn vị liên quan.
Phần hội thảo trở sôi nổi khi bắt đầu vào phần phân tích cụ thể những ưu điểm từ chính sách mới ban hành của Chính phủ và những nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian gần đây, qua bài tham luận của bà Lê Huyền Nga, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Nội dung cho biết: Ngoài các nội dung thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh triển khai một số chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để mở rộng thị trường và nâng cao trình độ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cụ thể là:
- Hợp tác với Samsung trong việc phát triển nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung cũng như triển khai Chương trình hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng, từ đó tạo tính lan tỏa nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT trong nước để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
- Hợp tác với Samsung trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khuôn mẫu nhằm nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo và sửa chữa khuôn mẫu tại Việt Nam.
- Hợp tác với các địa phương và Samsung trong việc hỗ trợ tư vấn, cải tiến sản xuất và chất lượng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo tại địa bàn.
- Hợp tác với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đào tạo cán bộ xây dựng chính sách và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, gồm: Chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK) trong khuôn khổ hợp tác Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE).
- Hợp tác với Nhật Bản về công nghiệp hỗ trợ trong khuôn khổ chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam – Nhật Bản.
- Hợp tác với Ngân hàng thế giới(World Bank) triển khai thực hiện Chương trình thí điểm phát triển Nhà cung cấp của Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam để có thể đáp ứng yêu cầu và tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã thành lập 02 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 02 Trung tâm đang kiện toàn bộ máy tổ chức cũng như có các hoạt động cơ bản để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương trên cả nước, cụ thể như: hỗ trợ cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, … nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế IATF 16949,
Không chỉ các nhà quản lý trong nước nhìn thấy cơ hội mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã quan tâm và chỉ rõ tiềm năng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Những chia sẻ của ông Yamada – Cố vấn cấp cao của Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam đã nói lên điều đó rõ ràng hơn.
“Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật nói riêng và thế giới nói chung bị ảnh hưởng lớn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng, đây chỉ là gián đoạn tạm thời”, Ông Yamada phát biểu. “Như quý vị đã biết, từ năm 2013, nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN đã vượt qua Trung Quốc do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên. Thêm vào đó, từ năm 2018, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng thúc đẩy xu hướng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản sang ASEAN. Chênh lệch giữa giá trị đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN so với đầu tư vào Trung Quốc đã tăng từ 10.2 tỷ USD năm 2017 lên 20.4 tỷ USD vào năm 2019”, Ông Yamada nói.
“Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật, khi có tới 41% doanh nghiệp (trong cuộc điều tra của JETRO) về triển vọng đầu tư năm 2019 đã trả lời sẽ chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo trong 3 năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay”. Ông Yamada khẳng định.
Hội thảo đã cho thấy những cơ hội về chính sách, về sự dịch chuyển đầu tư, tạo nên thuận lợi cho Việt Nam. Dù rằng, đại dịch Covid- 19 vẫn còn tồn tại, kinh tế toàn cầu khó khăn, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có tuổi đời non trẻ, nhỏ lẻ nhưng nếu chúng ta biết liên kết nhau lại, cùng hỗ trợ và tận dụng những lợi thế từ chính sách thì sự phát triển, tăng trưởng mạnh của ngành, của cả nền kinh tế đang đến rất gần.