Kinh tế tư nhân (KTTN) là nền tảng chính của nền kinh tế thị trường. Ở Việt Nam, thành phần kinh tế này ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Nhiều công ty tư nhân trong nước đã đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới, trở thành mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, lao động và an sinh xã hội.
Với sứ mệnh quan trọng gánh vác trên vai nền kinh tế thị trường, KTTN thể hiện vai trò ở các chỉ số như: Số lượng, lao động, vốn đầu tư, đóng góp ngân sách... Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của KTTN vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt; chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Các chỉ số GDP, năng suất lao động còn khiêm tốn... (8,9% tốc độ tăng GDP, 15,4% năng suất lao động).
Tại Hội Thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam” chiều ngày 12/3, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: “Qua gần 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân, từ "có vị trí quan trọng lâu dài" (Đại hội IX) đến “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.
“Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực DNNN và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, Ông Dũng nói.
Kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển như đòi hỏi của thực tiễn là do Nhà nước quản lý yếu kém. Cơ chế chính sách, phương thức quản lý kinh tế còn nhiều hạn chế.
Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: Những điểm tồn tại, hạn chế của kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; Môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch; Tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức; Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, v.v.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu: Còn nhiều tồn tại và hạn chế trong quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân như: “Công tác xây dựng quy hoạch còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến việc đầu tư kinh doanh; vẫn còn khoảng cách giữa chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước với thực tiễn triển khai thi hành...”
“Tuy đã có nhiều đổi mới về thủ tục hành chính (TTHC) nhưng Doanh nghiệp vẫn còn nhiều phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong thực hiện TTHC, điều kiện đầu tư kinh doanh. Nhiều quy định không hợp lý, thiếu rõ ràng.” Ông Hiếu nói.
Quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đầy đủ, đồng bộ và hội nhập diễn ra khá chậm. Quản lý nhà nước về kinh tế còn nhiều điểm hạn chế. Nhà nước vẫn còn thực hiện nhiều chức năng mà thị trường hoặc khu vực kinh tế tư nhân có thể đảm nhận trong khi chưa tập trung thực hiện tốt những chức năng quan trọng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Mục tiêu đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Các giải pháp tích cực mà chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước đã nêu ra trong hội thảo lần này sẽ nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nếu chuyển biến tốt, Kinh tế tư nhân sẽ có nhiều cơ hội để trở lại với vai trò như nó vốn phải có trong nền kinh tế thị trường.