Tuần trước, Mediastorm - một công ty truyền thông tại Hàng Châu, Chiết Giang - gây xôn xao khi quyết định tặng iPhone 16 Pro cho toàn bộ khoảng 100 nhân viên, bao gồm cả thực tập sinh. Ngoài ra, họ còn tặng kèm Apple Watch Series 10, biến đây thành một trong những chính sách phúc lợi nhân viên được chú ý nhất Trung Quốc hiện nay. Đây đã là năm thứ ba liên tiếp Mediastorm tặng iPhone, bắt đầu từ iPhone 14 Pro năm 2022 và iPhone 15 Pro vào 2023.
Nhà sáng lập Tim Pan chia sẻ, toàn bộ chi phí sẽ do công ty chi trả, nhân viên chỉ việc nhận thiết bị. Với mức giá khởi điểm 7.999 tệ (khoảng 28,8 triệu đồng) cho mỗi chiếc iPhone 16 Pro, tổng chi phí cho chiến dịch phúc lợi này lên tới gần 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở phía Bắc Trung Quốc, công ty xây dựng Jilin Shengxin tại Bạch Thành, Cát Lâm lại ban hành lệnh cấm nhân viên mang thiết bị Apple vào công ty. Quy định này cũng khuyến khích nhân viên chuyển sang dùng các thương hiệu nội địa như Huawei, với hứa hẹn được trợ cấp và hỗ trợ khi chuyển đổi. Những ai vi phạm quy định sẽ bị sa thải.
Công ty Jilin Shengxin lập luận rằng việc sử dụng sản phẩm nội địa như Huawei là cách để thúc đẩy nền công nghệ nước nhà, nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng chính sách này có thể vi phạm quyền cá nhân của người lao động.
Tình huống đối lập này không chỉ thể hiện sự phân hóa về quan điểm công nghệ tại Trung Quốc mà còn phản ánh cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu công nghệ trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chính sách tự cung tự cấp. Apple - dù là thương hiệu điện thoại nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc - cũng phải đối mặt với thách thức lớn khi thị phần suy giảm. Tháng 9/2024, lần đầu tiên Apple bị loại khỏi top 5 thương hiệu smartphone hàng đầu tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các sản phẩm của Apple vẫn luôn thu hút sự chú ý mạnh mẽ mỗi khi ra mắt. Người tiêu dùng Trung Quốc bị cuốn hút bởi thiết kế và tính năng vượt trội của iPhone, nhưng cũng không ít người bị thôi thúc bởi lòng yêu nước, kêu gọi sử dụng hàng nội địa.
Câu chuyện yêu - ghét iPhone 16 tại các công ty Trung Quốc chính là minh chứng rõ nét cho những mâu thuẫn trong quan điểm và xu hướng tiêu dùng công nghệ hiện nay.