Mặc dù Libra vẫn chưa chính thức được ra mắt cũng như chưa thể giao dịch. Nhưng trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện hàng loạt tài khoản rao bán đồng tiền mã hóa này. Một báo cáo của Washington Post cho biết có rất nhiều tài khoản cá nhân, trang và nhóm trên Facebook cũng như Instagram tự xưng là đại lý chính thức bán đồng tiền Libra. Thậm chí những đại lý này còn có thể giảm giá cho người mua.
Sự việc một lần nữa cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu quản lý và phòng chống của Facebook đối với nạn lừa đảo, ngay cả khi có liên quan trực tiếp tới hệ thống tiền tệ của họ.
Đa số những đường dẫn này sau đó đều trỏ tới một website thứ 3 không rõ nguồn gốc. Tại đây, người dùng có thể dễ dàng mất tiền, cũng như các thông tin cá nhân như tên, tài khoản Facebook, mật khẩu, địa chỉ, tài khoản ngân hàng,... nếu như “nhẹ dạ” tin vào những thông hiển thị ra trước màn hình.
Mục tiêu của những tài khoản này là chuyển hướng người mua đến các trang web của bên thứ 3, ví dụ như trang BuyLibraCoins.com. Hay thậm chí một trang web là Calibra.com, sử dụng ký tự đặc biệt thay cho chữ i của trang Calibra.com chính thức, do đó khiến nhiều người nhầm lẫn.
Tại đây, người mua sẽ thực hiện các khoản thanh toán để có thể sở hữu những đồng tiền mã hóa Libra trong ví điện tử của mình. Nhưng tất nhiên, sẽ không có đồng Libra nào được chuyển vào ví của họ. Tất cả chỉ là cú lừa.
Lạ lùng ở chỗ nhiều tài khoản, hội/nhóm trong số này công khai sử dụng logo của Facebook, hình đại diện CEO Mark Zuckerberg hay những hình ảnh chính thức nằm trong chiến dịch quảng bá Libra của Facebook, nhưng vẫn “dửng dưng” được phép hoạt động.
Facebook cho thấy sự bị động của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong việc phát hiện và ngăn chặn những làn sóng lừa đảo kiểu như vậy chính là lý do khiến người dùng trở nên lo lắng.
Trong quá khứ, Facebook từng dính đến nhiều vụ việc do không kiểm soát chặt, nên dẫn tới bỏ sót nhiều thông tin xấu độc, vi phạm.
Về cơ bản, hệ thống lọc của Facebook hiện nay vẫn tỏ ra vô cùng thiếu sót, thường xuyên “bỏ quên” nhiều hình ảnh, nội dung không phù hợp với chính sách đã đề ra. Những thông tin này sau đó chỉ thực sự được tìm thấy và gỡ bỏ sau khi Facebook nhận được phản hồi từ một cá nhân hoặc một nhóm người dùng.
Giáo sư kinh tế Eswar Prasad của Đại học Cornell nhận xét: “Có một sự trớ trêu thay, khi Facebook lại để những tài khoản giả mạo và lừa đảo liên quan đến đồng tiền mã hóa Libra tồn tại ngay trên chính nền tảng của mình. Điều đó càng làm mất niềm tin của người dùng đối với một loại tiền tệ mới mà Facebook đang cố gắng để xây dựng niềm tin”.
Hiện tại Libra vẫn còn chưa được ra mắt chính thức, một khi đồng tiền này ra mắt thì các chiêu trò lừa đảo kể trên sẽ càng nguy hiểm hơn. Sự việc này càng khiến người dùng đặt dấu hỏi lớn đối với khả năng kiểm soát những nội dung xấu và độc hại của Facebook.