Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) tăng 270 đồng, lên 24.870 đồng/lít. Giá bán lẻ dầu diesel tăng 290 đồng/lít, lên 22.640 đồng/lít.
Trong kỳ điều hành lần này, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời cơ quan điều hành không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa, chỉ chi Quỹ bình ổn mặt hàng dầu mazut.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính tới tháng 7, quỹ này đang dư 7.438 tỷ đồng. Vì thế, cơ quan quản lý đã ngừng trích lập vào quỹ này từ kỳ điều hành đầu tháng 7 đến nay.
Giá thế giới trong nửa tháng qua tăng mạnh do lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn khi Nga có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu.
Bình quân mỗi thùng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5RON92) tăng gần 0,5%, lên 103,25 USD; RON 95 là 109,23 USD, tăng 0,7%. Dầu hỏa cũng đặt thêm gần 2% mỗi thùng, ở mức 118,82 USD; diesel là 117,71 USD, riêng mazut giảm 2,54% về 530,47 USD.
Trong những ngày qua, giá xăng dầu thế giới biến động xuất phát từ thông tin của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm tới 10,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25-8. Mức giảm này cao gấp 3 lần so với mức giảm dự kiến 3,3 triệu thùng. Số liệu này cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Mỹ đã tăng mạnh.
Bên cạnh đó Saudi Arabia và Nga dự kiến tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu cung ứng thị trường mỗi ngày.
Saudi Arabia dự kiến gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 10, kéo dài hạn chế nguồn cung, do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cung cấp, để hỗ trợ giá. Những yếu tố này cũng khiến giá dầu tăng mạnh gần đây.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện yêu cầu tập trung thực hiện giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu.
Trong đó, về cung ứng xăng dầu, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HM:PLX) và cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Tính từ đầu năm đến trước lần điều chỉnh này, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.