Ngày 20/12, Toyota cho biết, thương hiệu Daihatsu đã tạm dừng hoạt động bàn giao và xuất khẩu tất cả sản phẩm ô tô sau một cuộc điều tra về an toàn phát hiện vấn đề liên quan đến 64 mẫu xe, trong đó có gần 20 mẫu xe được bán dưới thương hiệu Toyota.
Quyết định trên được đưa ra sau khi hãng chế tạo xe mini hồi tháng 4/2023, Daihatsu thừa nhận đã gian lận dữ liệu trong các thử nghiệm an toàn khi va chạm với bốn mẫu xe, liên quan tổng cộng 88.000 xe được sản xuất tại Thái Lan và Malaysia vào năm 2022 và 2023.
Sau đó, một hội đồng độc lập được thành lập để điều tra vụ việc. Cuộc điều tra đã tìm thấy những điểm bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm, ngoài các hành vi sai trái được phát hiện trước đó vào tháng 4 và tháng 5 liên quan đến các bộ phận cửa và thử nghiệm va chạm bên hông.
Đứng trước bê bối, Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, xin lỗi và cho biết họ sẽ thực hiện cải cách.
Tổng số mẫu xe có liên quan đến bê bối là 64, trong đó có 22 mẫu được bán mang thương hiệu Toyota và một số mẫu mang thương hiệu Mazda, Subaru.
Trong tuyên bố, đại diện công ty Daihatsu gửi lời xin lỗi đến các khách hàng và cổ đông, đồng thời tuyên bố sẽ cải cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức cùng với sự hỗ trợ của Toyota để cải thiện việc tuân thủ các quy định.
Daihatsu là thương hiệu xe cỡ nhỏ thuộc tập đoàn Toyota, nổi tiếng với các mẫu xe "tí hon" (kei car) rất được ưa chuộng tại Nhật.
Những vấn đề mới được phát hiện còn ảnh hưởng tới một số xe mang thương hiệu Mazda và Subaru bán tại thị trường nội địa Nhật Bản, cùng nhiều mẫu xe Toyota và Daihatsu bán ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Trong thông cáo báo chí đăng trên website toàn cầu của tập đoàn, Toyota cho biết cần một cuộc "cải tổ cơ bản" để hồi sinh Daihatsu, cũng như rà soát toàn bộ hoạt động cấp chứng nhận sản phẩm.
"Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, không thể tiến hành trong ngày một ngày hai", Toyota cho biết. "Việc này không chỉ đòi hỏi phải rà soát hoạt động quản lý và kinh doanh của công ty, mà còn rà soát toàn bộ doanh nghiệp".
Toyota cho biết họ chưa thể xác định mức độ thiệt hại về tài chính của vụ bê bối này.
Daihatsu sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm nay, với gần 40% số đó là ở các nhà máy nước ngoài, theo dữ liệu từ Toyota. Hãng bán được khoảng 660.000 xe trên khắp thế giới trong cùng kỳ và chiếm 7% doanh số của hãng mẹ Toyota.
Ngày 19/12, Toyota nói những mẫu xe liên quan tới bê bối gồm cả xe cho thị trường ASEAN gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cũng như khu vực Trung và Nam Mỹ, với Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay.
Daihatsu là bê bối về an toàn mới nhất tác động đến tập đoàn Toyota trong những năm qua.
Scandal dữ liệu động cơ ở chi nhánh xe tải của hãng, Hino, vào năm 2022 từng dẫn tới vụ từ chức và cắt giảm tạm thời một số vị trí quản lý. Trong vụ việc này, Hino thừa nhận đã cung cấp dữ liệu sai lệch về khí thải cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu cho chính phủ đối với ba dòng động cơ do hãng sản xuất.
Trước đó, năm 2010, Toyota rơi vào cuộc "khủng hoảng chân ga" khi nhiều khách hàng Mỹ gặp tình huống xe tăng tốc đột ngột và thậm chí sau khi được sửa, xe vẫn gặp tình trạng tương tự.