Theo kế hoạch, ngày 15/9 sẽ là thời hạn tắt sóng 2G. Tuy nhiên, việc can thiệp vào việc sử dụng băng tần 900/1800 MHz (được sử dụng chủ yếu cho dịch vụ 2G tại Việt Nam) không thể thực hiện do giấy phép sẽ hết hạn.
Trả lời câu hỏi về phương án xử lý trong trường hợp vẫn còn người sử dụng mạng 2G Only, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Thành Phúc khẳng định Bộ sẽ không cấp phép lại các băng tần 900/1800 MHz. Doanh nghiệp di động cần phải đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ 2G Only.
“Vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm để bắt buộc nhà mạng đưa ra biện pháp, chính sách thúc đẩy thuê bao 2G lên 4G và 5G,” ông Phúc nói và cho biết đã đề nghị doanh nghiệp di động cần triển khai giải pháp truyền thông, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao nói trên.
Hiện các nhà mạng đã đưa ra phương án thúc đẩy chuyển đổi, bao gồm trợ giá cho điện thoại “cục gạch” hoặc smartphone 4G giá rẻ, cùng việc tăng cường phủ sóng 4G.
Mặc dù Cục Viễn thông chưa công bố số liệu thống kê về lượng thuê bao 2G Only hiện tại, ước tính con số vẫn trên 15 triệu vào cuối năm 2023. Để hạn chế thuê bao mới, từ tháng 3, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp không cho nhập mạng với các thiết bị điện thoại chỉ hỗ trợ 2G và không có chứng nhận hợp quy. Sau hơn hai tháng, hơn 850 nghìn lượt nhập mạng qua các thiết bị này đã bị ngăn chặn.
Tại cuộc họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông giữa tháng 6, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết đã ban hành các thông tư 03, 04 về quy hoạch lại băng tần 900 và 1800 Mhz cho thông tin di động. Ngày 15/9 là thời hạn ngừng cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại 2G Only và đến tháng 9/2026 sẽ ngừng hoàn toàn 2G, trừ một số trường hợp đặc biệt như tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK.
Từ nay đến 2026, mạng 2G vẫn được duy trì nhưng không mở mới thuê bao, chỉ để phục vụ thuê bao vốn dùng máy 3G và 4G đời cũ, chưa hỗ trợ tính năng thoại qua mạng di động, trước khi các dòng điện thoại này biến mất hoàn toàn.