Cuộc thử nghiệm kéo dài khoảng 6 phút, trong đó tên lửa đẩy tái sử dụng với đường kính 3,8 mét, được trang bị ba tên lửa oxy-methane lỏng có lực đẩy thay đổi, đã phóng lên độ cao khoảng 12 km trước khi điều chỉnh và hạ xuống. Tên lửa mở bệ đỡ ở độ cao 50 mét và hạ cánh chậm nhưng ổn định tại bãi đáp. Đây là lần đầu tiên động cơ tên lửa oxy-methane lỏng được sử dụng, cung cấp lực đẩy biến thiên cao, đặt nền móng vững chắc cho tên lửa tái sử dụng đường kính 4 mét sẽ được thử nghiệm vào năm 2025.
Các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với SpaceX của tỷ phú Elon Musk trong việc chế tạo tên lửa tái sử dụng. Orienspace, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng không vũ trụ có trụ sở tại Bắc Kinh, đã phóng thành công tên lửa dùng một lần vào tháng 1/2024 và hiện đang phát triển tên lửa Gravity-2 có thể tái sử dụng, dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Ngoài ra, Orienspace đã thành công trong việc phóng tên lửa từ bệ phóng ngoài khơi, mang lại sự linh hoạt và tiện lợi cho các công ty, đồng thời giảm chi phí hậu cần.
Beijing Interstellar Glory Space Technology, hay còn gọi là i-Space, cũng đang tham gia cuộc đua này. Công ty đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm đầu tiên vào tháng 12/2023. Bên cạnh đó, một công ty con thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã thử nghiệm tên lửa Kuaizhou có thể tái sử dụng bằng công nghệ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng.
Tên lửa tái sử dụng đang thay đổi ngành công nghiệp vũ trụ bằng cách cho phép các công ty tái sử dụng những bộ phận tên lửa đắt tiền mà không cần sửa chữa nhiều. Đây là xu hướng mới trong việc phát triển công nghệ hàng không vũ trụ, hứa hẹn mang lại nhiều tiến bộ và khám phá mới trong tương lai.